Rào cản dịch bệnh vật nuôi, cây trồng

Cập nhật, 07:52, Thứ Ba, 02/07/2019 (GMT+7)

 

Nhiều nơi trong tỉnh đang thu hoạch lúa Hè Thu trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Nhiều nơi trong tỉnh đang thu hoạch lúa Hè Thu trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đánh giá, bức tranh sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm còn nhiều “gam màu đen”. Dịch bệnh xuất hiện trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi, dù được khống chế kịp thời nhưng nguy cơ bùng phát cao. Sự sụt giảm của ngành hàng lúa gạo, chăn nuôi heo là khó bù đắp nếu không tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh.

Sâu bệnh hại cây trồng

Theo bà Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn xảy ra ở một số nơi, xen kẽ mưa giông đã khiến các loại sâu bệnh hại trên cây trồng liên tục xuất hiện.

Đối với cây lúa, thường xuyên xuất hiện các đối tượng gây hại phổ biến như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá, lem lép hạt… trong đó đáng kể nhất là rầy nâu đã và đang có chiều hướng xuất hiện thành dịch theo chu kỳ lặp lại từ 10- 12 năm.

Tuy nhiên, thông qua việc khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh… nên các loại sâu bệnh hại đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hạn chế thiệt hại.

Tình hình sâu bệnh hại trên cây màu cũng đã xuất hiện nhưng đều được theo dõi, quản lý kịp thời, nằm trong phạm vi được khống chế nên mức độ gây hại chỉ từ nhẹ đến trung bình.

Hiện sâu keo mùa thu đã xuất hiện tại một số tỉnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lưu ý người dân phát hiện loài sâu này cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn

Tổng diện tích cây ăn trái và cây lâu năm nhiễm bệnh trong kỳ cao nhất là 8.422ha. Các đối tượng gây hại xuất hiện phổ biến như chổi rồng trên nhãn, sâu đục nhánh xoài, cháy lá sầu riêng, sâu đục trái và bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi…

Xét về bình diện chung, do tình hình sâu bệnh hại trên cây ăn trái luôn được kiểm soát tương đối tốt bởi nông dân được khuyến cáo thăm vườn thường xuyên để phát hiện, quản lý kịp thời sâu bệnh hại.

Đồng thời thay đổi dần tập quán sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo thời gian cách ly. Nhờ đó, thời gian gần đây, tình hình tiêu thụ các sản phẩm trái cây của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Đặc biệt, thời gian gần đây, để chủ động ứng phó với sâu keo mùa thu- một loài sâu hại mới xâm nhập có khả năng di trú xa- gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng khác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã tập trung mở các cuộc tập huấn hướng dẫn người dân nhận diện và áp dụng quy trình kỹ thuật phòng chống loại sâu này nhằm phát hiện kịp thời và tránh lây lan trên diện rộng.

Hiện lúa Hè Thu đã thu hoạch 24.289ha (chiếm tỷ lệ trên 45%), năng suất đạt 6,1 tấn/ha với sản lượng 146.961 tấn. Diện tích lúa còn lại giai đoạn từ đòng trổ đến chín sinh trưởng tốt. Trong tuần qua, do ảnh hưởng mưa giông nên 291ha lúa Hè Thu giai đoạn chín sắp thu hoạch bị ảnh hưởng năng suất. Đáng kể là Vũng Liêm 265ha, tỷ lệ ảnh hưởng từ 30- 40%.

Dịch bệnh trên vật nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, ngành chuyên môn phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại TP Vĩnh Long, Long Hồ và Tam Bình với tổng đàn gà bị bệnh và tiêu hủy 4.200 con. Bệnh tai xanh và dịch tả heo cũng xảy ra 1 ổ dịch ở huyện Trà Ôn trên tổng đàn 67 con, bệnh chết và tiêu hủy 35 con.

Đáng kể nhất là sự hoành hành của bệnh dịch tả heo Châu Phi thời gian gần đây. Từ ngày 11/5- 27/6, toàn tỉnh đã phát hiện 105 ổ dịch tại 30 xã thuộc 7 huyện, số lượng heo phải tiêu hủy là 2.785 con, tổng trọng lượng 158.432kg.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, diễn biến bệnh dịch tả heo Châu Phi ngày càng phức tạp, thời tiết chuyển mùa, chăn nuôi không an toàn sinh học, sử dụng thức ăn thừa chưa được xử lý… là điều kiện để mầm bệnh phát triển gây bất lợi cho đàn vật nuôi.

Mặc dù các ổ dịch đã được phát hiện và xử lý nhanh nhưng do tính chất đặc biệt nguy hiểm của vi rút gây bệnh không có vắc xin phòng, không có thuốc điều trị, vi rút lại có thể tồn tại lâu trong môi trường… nên việc phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Song song đó, việc vận chuyển heo giữa các vùng nhằm giải phóng số lượng heo có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán không kiểm soát. Việc lập chốt kiểm soát gặp khó do có nhiều lối đi ngang qua ổ dịch. Chưa kể, xử lý tiêu hủy heo vào ngày nghỉ, khó khăn trong công tác tiêu hủy như thuê mướn nhân công, vị trí tiêu hủy, không lường được những chi phí phát sinh trong quá trình chống dịch.

Việc tiêu thụ heo trong vùng dịch phải lấy mẫu xét nghiệm, giá heo giảm dần do ảnh hưởng dịch bệnh, hiện giá còn ở mức 35.000 đ/kg, không có thương lái mua heo khi heo đến tuổi xuất bán ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn trong công tác phòng chống dịch.

Đánh giá tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi trong thời gian tới, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, dịch bệnh nhiều khả năng sẽ tiếp tục lan rộng đến các cơ sở chăn nuôi chưa mắc bệnh, các cơ sở chăn nuôi lớn cũng như tái phát ở những nơi đã hết dịch. Hiện rất khó để xác định thời điểm khống chế hoàn toàn bệnh dịch tả heo Châu Phi nên công tác phòng chống dịch sẽ còn lâu dài và người chăn nuôi không tái đàn trong thời gian này.

Bài, ảnh: THÀNH LONG