Bệnh dịch tả heo Châu Phi

Phải quyết liệt ngăn và dập dịch!

Cập nhật, 05:53, Thứ Năm, 16/05/2019 (GMT+7)

“Nếu không ngăn chặn kịp thời, dịch sẽ lây lan trên quy mô lớn, lan vào các trang trại ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, lúc đó sẽ vô cùng nguy hại”- đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường về tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi hiện nay.

Người chăn nuôi quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Vĩnh Long.
Người chăn nuôi quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Vĩnh Long.

Còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh

Đến giờ này, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã lan ra gần 2.300 xã, trên 200 huyện của gần 30 tỉnh- thành với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con.

Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh- thành có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh heo bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Đáng chú ý là dịch bệnh này đã xuất hiện tại một số tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai- địa phương có tổng đàn heo lớn nhất nước với 2,5 triệu con và mới đây tại Hậu Giang cũng đã phát hiện 2 ổ dịch bệnh.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, dù số lượng heo bị mắc bệnh chỉ chiếm 4% nhưng tốc độ lây lan rất nhanh và dự báo vẫn còn tiếp tục lan nhanh. Cùng với đó là thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh lây lan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Lịch sử ngành chăn nuôi heo trên thế giới và Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với một loại dịch cực kỳ nguy hiểm, rất nan giải, phức tạp và tốn kém trong phòng chống; đặc biệt là thiệt hại về kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Dịch bệnh đã vào đàn heo nào, là hầu như gây thiệt hại 100%.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và người dân đã rất quan tâm, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch song việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập.

Cụ thể như: Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy heo bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Song song đó, việc tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo chết chưa kịp thời, chưa triệt để, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nên gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh...

“Nếu không ngăn chặn tốt, dịch sẽ phát triển theo 3 hướng: tái xuất hiện ổ dịch mới ở nơi đã khống chế được, lan rộng sang các vùng chưa bị, phát sinh dịch ở những đàn heo lớn.

Trường hợp kịch bản trên xảy ra sẽ “vô cùng thảm khốc”, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe dọa một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Phùng Đức Tiến nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch.

Tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.

Để ngăn và dập dịch có hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả heo Châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng”.

Khẳng định đây là dịch bệnh nguy hiểm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh, bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, khả năng lây lan bệnh còn rất cao, chúng ta chưa thể tuyên bố kiểm soát chặt chẽ hoàn toàn dịch bệnh, khả năng tái phát dịch bệnh cũng chưa được kiểm soát. Một số nơi hết dịch nhưng sau đó lại bị tái phát.

Theo Phó thủ tướng, phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Bộ Nông nghiệp- PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn heo trong những tháng cuối năm, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phải tính phương án dự trữ thịt heo, tìm kiếm nguồn thay thế thịt heo trong thời gian tới.

Trong đó, giao Bộ Công thương làm việc với các đơn vị kinh doanh lớn tổ chức việc thu mua, giết mổ, cấp đông, dự trữ thịt heo để giảm tải việc gây bệnh, tiêu hủy và đảm bảo nguồn thịt dự trữ cho những tháng cuối năm.

Vĩnh Long quyết liệt phòng bệnh

Công tác kiểm dịch vận chuyển heo, sản phẩm heo xuất nhập vào tỉnh Vĩnh Long được ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Công tác kiểm dịch vận chuyển heo, sản phẩm heo xuất nhập vào tỉnh Vĩnh Long được ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Tại Vĩnh Long, để ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh, công tác kiểm dịch vận chuyển heo, sản phẩm heo xuất nhập vào tỉnh được ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ tại các lò mổ trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện chặt chẽ.

Tại Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: Trước tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có nguy cơ lây lan diện rộng, Phòng Nông nghiệp- PTNT đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ trên địa bàn huyện.

Đồng thời, phòng cũng xây dựng kế hoạch đề ra các giải pháp cụ thể và khả thi để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin, đặc biệt tăng cường công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng tại những khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung.

Riêng đối với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo cũng đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” là tình trạng tại trang trại nuôi heo của anh Phạm Văn Tân (xã Phú Quới- Long Hồ). Có 15 con heo nái, 60 con heo thịt và heo con, anh Tân cho hay:

“Hiện tôi đang dồn hết sức để thực hiện các biện pháp phòng dịch, chỉ có một mình tôi được vào trang trại để hạn chế tối đa tiếp xúc với trang trại.

Đồng thời, mỗi ngày tôi đều vệ sinh chuồng trại, tiêu độc sát trùng trong- ngoài chuồng trại. Hiện tôi không dám tái đàn, chỉ cố gắng dùng mọi biện pháp ngăn bệnh dịch”.

Nhận định, tình hình bệnh dịch đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: “Hiện nay chi cục tập trung vào 2 giải pháp chính để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh là kiểm soát trên khâu vận chuyển đầu vào, tại các lò giết mổ, trạm kiểm dịch, kho, bến bãi.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi đề cao tinh thần phòng chống bệnh dịch, khuyến cáo người dân hạn chế tái đàn trong thời điểm này”.

Theo Chi cục Chăn nuôi- Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), Vĩnh Long có khoảng 350.000 con heo, trong có có 111 trang trại chăn nuôi với 37.000 con. Từ khi xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi đã có sự chênh lệch giá heo giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Để chia sẻ và hỗ trợ tiêu thụ heo sạch còn tồn ở miền ngoài, hiện tại mỗi ngày Vĩnh Long nhập từ 200- 500 con heo từ các tỉnh phía Bắc vào tiêu thụ. Các khâu vận chuyển heo vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, xe vận chuyển có giấy kiểm dịch đầy đủ.

Bài, ảnh: THẢO LY