Trà Ôn

Mùa nắng hạn: Trúng giá, lời khá nhờ rau màu

Cập nhật, 06:00, Thứ Sáu, 12/04/2019 (GMT+7)

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, vụ mùa này nhiều nông dân (ND) huyện Trà Ôn phấn khởi vì rau màu được giá, mang lại lợi nhuận khá ngay trong mùa nắng hạn.

Nông dân chủ động nước tưới tiêu trong vụ này.
Nông dân chủ động nước tưới tiêu trong vụ này.

Được mùa, trúng giá

Theo ngành chức năng, ngoài tăng lợi nhuận, việc đưa cây màu trồng luân canh trên ruộng lúa trong mùa khô còn mang lại nhiều lợi ích như giúp giải quyết những khó khăn lớn nhất trong mùa khô hạn nhất là nước tưới.

Ngoài ra, nếu thay thế 1 vụ lúa bằng vụ màu sẽ có tác dụng ngăn chặn các đối tượng dịch hại lây lan giữa các vụ lúa.

Theo đó, để hạn chế tình trạng thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng trong mùa khô hạn, ngành nông nghiệp huyện Trà Ôn vận động ND nên trồng các loại màu có khả năng chống chịu khô hạn tốt ở những gò đất cao, thay cho cây lúa.

Chủ trương trên được ND tích cực thực hiện. Theo đó, các loại màu như dưa leo, bắp, đậu bắp,... được nhiều ND lựa chọn.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xuống giống trên 1.300ha rau màu, tập trung ở các xã: Thiện Mỹ, Tích Thiện, tăng 80,2ha so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chuyên canh 397,5ha, luân canh và xen canh 907,5ha. Hiện đã thu hoạch gần 600ha.

Tại xã Thiện Mỹ, dự đoán sau tết rau màu sẽ hút hàng, tăng giá nên ND đã mạnh dạn chuyển sang trồng màu để cung cấp cho thị trường. Theo đó, vụ này diện tích màu toàn xã đã tăng 20% so với cùng kỳ. Nhiều ND đang tất bật thu hoạch trong sự phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

Có gần 4 công dưa leo đang thu hoạch, anh Ngô Tấn Đạt (ngụ ấp Mỹ Trung- xã Thiện Mỹ) cho hay: “Trước đây trồng lúa, chi phí đầu tư cao mà năng suất lại thấp, nên lợi nhuận rất ít. Do đó, 2 năm nay, tôi đã chuyển sang trồng màu, tuy cực hơn nhưng hiệu quả kinh tế cao”.

Chỉ vào lứa dưa vừa mới hái xong đợi thương lái đến lấy, anh Đạt phấn khởi cho hay: “Dưa leo được lợi là “ăn lâu”. Tôi bán được 12- 13 tấn rồi, nhờ chủ động được nước tưới tiêu nên năng suất khá, khoảng 4 tấn/công, với giá ổn định từ 8.000- 14.000 đ/kg, tôi “sống khỏe” nhờ dưa leo. Tính ra 1 công dưa lời gấp 5 lần lúa”.

Anh Lê Hồng Anh- Trưởng ấp Mỹ Phó- cho hay: Cả ấp đã chuyển đổi sang trồng màu 100% diện tích từ 2 năm nay. Trồng màu cực công hơn nhưng bù lại chi phí thấp, lợi nhuận gấp 3- 5 lần trồng lúa.

“Mặc dù hiện nay nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, nhưng nếu được chăm sóc và tưới đủ nước thì hiệu quả trồng màu mang lại khá cao. Rau màu mùa hạn sẽ bán được giá hơn mùa mưa, nhờ đó, nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định”- anh Hồng Anh cho biết thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, hiệu quả kinh tế từ cây màu cao hơn nhiều lần so với cây lúa. Cụ thể, ND trồng bắp cho năng suất 20 tấn/ha, lợi nhuận 30- 40 triệu đồng/ha/vụ; dưa leo 15- 20 tấn/ha, lợi nhuận 55- 60 triệu đồng/ha/vụ; cải ngọt năng suất 20- 22 tấn/ha, lợi nhuận 60- 70 triệu đồng/ha/vụ; dưa hấu năng suất từ 20- 22 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 100- 110 triệu đồng/ha/vụ,…

Không lo thiếu nước, không sợ hạn mặn

Nhiều loại rau màu đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều loại rau màu đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc chuyển đổi diện tích đất ruộng sang trồng màu trong điều kiện nắng nóng hiện nay được xem là một trong những giải pháp hiệu quả- vừa cho lợi nhuận cao lại giúp cải tạo đất, giảm sâu bệnh trong vụ lúa
kế tiếp.

Khẳng định “vụ này sản xuất nông nghiệp không lo thiếu nước, không sợ hạn mặn”, ông Lý Minh Chiến- Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ cho biết: “Từ sau đợt hạn mặn 2016, ND trong xã luôn chủ động, ý thức cao phòng chống khô, hạn, mặn. Theo đó, ND chủ động làm kinh mương để trữ nước. Xã cũng có cán bộ nông nghiệp đo độ mặn mỗi ngày để kịp thời thông báo cho người dân”.

Song song đó, để đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu trong mùa hạn, địa phương đã nạo vét các kinh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, đồng thời gia cố các tuyến đê bao, bờ bao có nguy cơ sạt lở để tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tuyên truyền ND nên tận dụng các kỳ triều cường để tháo nước vào kinh mương nội đồng, đóng các nắp cống bộng trữ nước để dự phòng trong thời điểm nước kém, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tưới tiêu.

Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung hướng dẫn ND về kỹ thuật canh tác, về quy trình sản xuất rau an toàn, sản xuất rau màu theo hướng GAP. Đồng thời, dự báo tình hình sâu bệnh định kỳ trên rau màu, cây ăn trái để kịp thời thông báo cho ND phòng trị hiệu quả.

Có thể thấy, việc chuyển đổi sang trồng màu đã đem lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các địa phương và ngành chức năng cần có khuyến cáo cụ thể để bà con ND lựa chọn sản xuất loại rau màu phù hợp với điều kiện đất đai từng vùng, nhất là phải chú ý đến nhu cầu thị trường, tránh hiện tượng sản xuất tràn lan, cung vượt cầu, khiến cho việc tiêu thụ gặp khó khăn, không đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Đồng thời, ND cũng cần nâng cao ý thức trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến các sản phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe người
tiêu dùng.

Bài, ảnh: PHI LONG