Nhà nông tìm hiểu

Phòng chống bệnh dại ở chó, mèo

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 09/04/2019 (GMT+7)

Ở xóm tôi, nhiều người nuôi chó rất hung dữ nhưng lại thả rông, trong khi mùa này là mùa chó dại nên ra đường cũng hơi lo. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách nhận biết và phòng chống bệnh này?

Trần Thị Kim Loan (Tân An Luông- Vũng Liêm)

Chị Loan mến! Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm cho người và nhiều loại động vật như chó, mèo. Đặc điểm của bệnh là vi rút tác động vào hệ thống thần kinh gây rối loạn thần kinh trung ương tạo trạng thái điên dại cho chó, mèo và người.

Chó mắc bệnh dại thường xảy ra ở 2 thể: điên cuồng và bại liệt. Thể điên cuồng: chó dại lên cơn dữ dội, hàm trễ, mắt đỏ ngầu, chảy dãi, sùi bọt mép, rất hung dữ và dễ cắn người. Sau đó chó ốm rất nhanh rồi chuyển sang bại liệt và chết.

Thể bại liệt: chó thể hiện các trạng thái buồn bã, ăn ít hay bỏ ăn. Sau đó lặng lẽ chui vào xó tối nằm lì- gọi là thể dại câm. Vài ngày sau đó chó bị liệt chân, liệt hàm, lưỡi thè ra, chảy nước dãi. Chó ốm nhanh, nằm một chỗ rồi chết. Riêng chó con thường ở thể dại bại liệt, chết sau từ 3- 5 ngày trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.

Mèo ít bị mắc bệnh dại hơn chó. Khi mèo mắc bệnh, thường có biểu hiện núp mình vào chỗ vắng, bóng tối, hay kêu, bồn chồn, không nằm yên một chỗ, khi có người chạm vào thì cắn hoặc cào rất mạnh.

Cách tốt nhất để phòng, chống bệnh này là tiêm phòng bệnh dại mỗi năm 1 lần. Hạn chế nuôi chó thả rông. Trường hợp nếu chó cắn người cần phải đưa người đến cơ quan y tế dự phòng để kiểm tra và tiêm phòng kịp thời, đồng thời nhốt chó lại theo dõi 15 ngày để xác định nguồn gốc.

Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường nghi mắc dại, phải nhốt cách ly để theo dõi, đồng thời báo cáo ngay với nhân viên thú y để xác minh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

BẠN NHÀ NÔNG