Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

"Khâu then chốt" nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 09/04/2019 (GMT+7)

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp (NN) không chỉ thay thế phương thức sản xuất thủ công mà còn từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy NN phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất NN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa toàn diện.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa toàn diện.
Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa toàn diện.

Mức độ áp dụng cơ giới hóa còn thấp

Theo nhận định của ngành chức năng, công tác cơ giới hóa trong sản xuất NN là bước đột phá quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất NN. Việc cơ cấu lại ngành NN không thể thành công và hiệu quả nếu công tác cơ giới hóa không được xem xét, đầu tư phát triển.

PGS.TS Nguyễn Huy Bích- Trưởng Khoa Cơ khí- Công nghệ (ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho hay: cơ giới hóa là xu hướng tất yếu của nền sản xuất NN hàng hóa quy mô lớn.

Cơ cấu lại ngành NN là phải đẩy mạnh và phát triển cơ giới hóa. Song, ngành cơ khí NN trong thời gian gần đây chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết, nhằm thúc đẩy ngành NN phát triển.

“ĐBSCL sản xuất hơn 95% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta nhưng có mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa không đồng đều giữa các khâu.

Mức độ cơ giới hóa của các khâu gieo sấy, bón phân phun thuốc và bảo quản còn thấp. Về thu hoạch lúa vùng ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hơn 90%, tuy nhiên khâu sấy lúa chỉ đáp ứng 42%, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt 15%.

Việc “thắt cổ chai” tại 2 khâu then chốt là sấy và bảo quản đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL”- PGS.TS Nguyễn Huy Bích cho biết thêm.

Tại Vĩnh Long, phong trào cơ giới hóa đang diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Nguyễn Văn Liêm- cho biết: Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất NN còn mang tính chất tự phát, thiếu đồng bộ, có nhiều hạn chế. Như trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, thu hoạch còn khâu gieo cấy, chăm sóc, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quản canh, thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, lực lượng lao động chính trong NN hiện nay đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên nhu cầu phát triển cơ giới hóa trong sản xuất NN tỉnh là cấp bách.

Cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh hiện có trên 1.100 máy gặt đập liên hợp, trên 3.000 dụng cụ sạ hàng, trên 4.800 máy xới, trên 40.500 máy phun thuốc trừ sâu, gần 52.800 máy bơm nước. Trong khi khâu làm đất, tưới nước, thu hoạch đều ứng dụng cơ giới hóa 100% thì chỉ có 20% sử dụng máy cấy ở khâu gieo trồng, 50% trong khâu chế biến, bảo quản.

Hay trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, mức độ áp dụng cơ giới hóa còn rất thấp, cụ thể chỉ có 14% áp dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn khô cho thủy sản, 22% áp dụng cơ giới hóa trong khâu chăm sóc gia cầm, 48% sử dụng máy móc vào trong chuồng trại gia súc,...

Hướng đi tất yếu hướng đến nền NN phát triển bền vững

Cơ giới hóa trong sản xuất NN được coi là khâu then chốt, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất NN. Việc thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất NN sẽ thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa mà Vĩnh Long đang hướng đến, qua đó từng bước tiến tới xây dựng nền NN công nghệ cao, NN sạch, bền vững.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Bích, 2 vấn đề cơ bản tác động đến trình độ cơ giới hóa hiện nay là ruộng đất manh mún và sự nghèo khó của nông dân.

Do vậy, cần triển khai quy hoạch và chuyển dịch cơ cấu sản xuất NN, nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất, xây dựng hệ thống đường nội đồng đủ điều kiện để đưa các loại máy móc hiện đại vào đồng ruộng để có điều kiện sản xuất tập trung phù hợp cơ giới hóa.

Ông Đỗ Hoàng Trang- Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ xác định lợi thế của từng vùng, lựa chọn các hình thức máy móc, thiết bị phù hợp với cây, con cụ thể.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng phù hợp với việc đưa máy móc canh tác vào phục vụ sản xuất. Song song đó, rà soát quy hoạch, chỉ đạo sản xuất, theo hướng tập trung, hình thành vùng nguyên liệu, sản phẩm gắn với lợi thế từng địa phương, tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất NN áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về chế biến, bảo quản sau thu hoạch,...

Có thể thấy, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất NN đã và đang đem lại những hiệu quả rõ rệt trong phát triển sản xuất. Song, nhiều nông dân cho hay: vẫn còn gặp khó khăn về vốn và khả năng tiếp cận, ứng dụng các máy móc, công nghệ mới nên rất cần sự hỗ trợ thêm từ các ngành chức năng.

Do đó, để nâng cao mức độ áp dụng cơ giới hóa, cần có thêm các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về vốn để nông dân tăng cường đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từ đó, chăm sóc tốt cây trồng, giảm chi phí, nâng cao được chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bài, ảnh: TRÀ MY