Nông dân ồ ạt cải tạo đất gò... sai cách

Cập nhật, 05:59, Thứ Năm, 21/03/2019 (GMT+7)

Những ngày gần đây, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, nhiều nông dân cải tạo đất gò bằng cách lấy đi lớp đất trên bề mặt ruộng. Dễ dàng bắt gặp việc lấy đất mặt ruộng ở các nơi dọc theo trục giao thông qua các huyện Tam Bình, Mang Thít, Long Hồ,…

Cải tạo gò là việc làm cần thiết nhưng làm sai phương pháp sẽ lấy đi phần dưỡng chất của đất.
Cải tạo gò là việc làm cần thiết nhưng làm sai phương pháp sẽ lấy đi phần dưỡng chất của đất.

Theo quan sát, để hạ độ cao đất gò, người dân mướn máy cuốc đất lấy đi lớp đất mặt hoặc dùng máy xới, máy ủi thậm chí thủ công là hốt đất vô bao, với độ sâu phần đất so ban đầu là khoảng 10- 20cm.

Phần đất lấy đi được người dân tận dụng trồng cây, lên liếp, lấp ao, đắp bờ bao hoặc bán đi nơi khác… Tại một số nơi, giá bán lớp đất này khoảng 1 triệu đồng/công, nhưng có nơi nông dân không lấy tiền.

Việc cải tạo đất gò bằng cách hạ độ cao nhằm tạo thuận lợi cho việc canh tác vụ sau được nông dân áp dụng từ lâu.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, việc lấy đất mặt như trên hoàn toàn sai phương pháp. Theo TS Dương Minh Viễn- Phó Trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- Trường ĐH Cần Thơ), việc lấy lớp đất bề mặt như vậy nhất định sẽ ảnh hưởng đến sản xuất bởi đó là tầng canh tác nhiều dưỡng chất, tích tụ chất hữu cơ…

Để hạ độ cao đất gò, cần giữ lại lớp đất mặt, như có thể cào lớp đất mặt để riêng một bên, lấy lớp đất dưới đi, rồi khỏa lớp đất mặt trả lại.

Tin, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN