Nhà nông tìm hiểu

Chăm sóc cây dừa thích nghi hạn- mặn

Cập nhật, 09:56, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

Trước đây, trồng dừa thì nhẹ công chăm sóc, nhưng những năm gần đây, với khả năng hạn- mặn xảy ra thì cây dừa không còn “ngon ăn” như trước nữa, Bạn Nhà nông có thể tư vấn cách chăm sóc dừa như thế nào để thích nghi tốt với hạn, mặn?

Phan Văn Công (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm)

Anh Công mến! Để dừa thích nghi tốt với hạn, mặn thì anh chủ động hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa nắng như đê bao chung trong khu vực hoặc từng vườn nhằm đảm bảo chống ngập khi triều cường, ngăn mặn trữ ngọt trong mùa khô. Đê bao phải đủ rộng và cao hơn mực nước cao nhất trong năm tối thiểu 0,3m.

Bên trong, cần nạo vét hệ thống mương vườn sao cho đủ sâu, rộng, kín nước để làm chức năng trữ ngọt, đủ nước tưới cho các tháng mặn cao điểm trong mùa khô. Thiết kế hệ thống lấy nước bổ sung ngoài đê bao để tận dụng lấy nước tưới cho vườn khi nước lợ dưới 3‰.

Trong vườn, cần phủ liếp giữ ẩm trong mùa khô bằng các vật liệu có sẵn như các tàu dừa, cỏ khô, rơm rạ hoặc màng phủ nông nghiệp. Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng giúp kéo dài thời gian cấp nước cho vườn bởi hệ thống trữ ngọt trong vườn.

Trước khi mặn xâm nhập, anh cần chủ động tích ngọt trong hệ thống mương chứa, tích cực phủ gốc giữ ẩm và tưới đủ ẩm; kết hợp bón vôi và phân thúc cho vườn.

Khi hạn mặn xảy ra thì củng cố hệ thống phủ liếp giữ ẩm, tưới nước ngọt đã dự trữ cho cây với hệ thống tưới tiết kiệm nước, khoảng cách giữa 2 lần tưới khoảng 5- 7 ngày, nếu nước dự trữ còn nhiều cần kết hợp bón phân thúc.

Khi kết thúc thời kỳ hạn mặn, anh cần bón phân có nhiều lân, acid humic như phân hữu cơ các loại, Super Humic, DAP hoặc super lân, vôi dolomite để giảm thiểu độc chất do phèn, mặn, kích thích cây ra rễ mới phục hồi sinh trưởng.

Sau khi bón được khoảng 3- 4 tuần và có mưa đầu mùa ổn định thì chăm sóc, bón phân bình thường trở lại. Ngoài ra, anh cần phòng trừ một số dịch hại trong thời kỳ hạn, mặn như bọ dừa, bọ vòi voi, rệp dính và nhện đỏ.

BẠN NHÀ NÔNG