Vượt thách thức, nắm cơ hội

Cập nhật, 08:04, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu đã để lại những ảnh hưởng ngày càng rõ nét với nhiều thách thức đặt ra như nước biển dâng, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn… Ứng phó với vấn đề này được coi là hoạt động có ý nghĩa sống còn trong sản xuất nông nghiệp.

Các chuyên gia khuyên rằng, hãy xem biến đổi khí hậu là cơ hội chứ không còn là thách thức và sản xuất nông nghiệp cũng cần chuyển đổi xu hướng phát triển trên nền tảng biến đổi khí hậu.

Thích ứng biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn trong sản xuất nông nghiệp.  Trong ảnh: Cây lác Vũng Liêm thích ứng cho điều kiện xâm nhập mặn.
Thích ứng biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Cây lác Vũng Liêm thích ứng cho điều kiện xâm nhập mặn.

Xem biến đổi khí hậu là cơ hội

Theo TS. Dương Văn Ni- chuyên gia đa dạng sinh học của Trường ĐH Cần Thơ, hãy xem biến đổi khí hậu là cơ hội chứ không còn là thách thức. Trong đó nước là tài nguyên hữu hạn chứ không phải vô hạn nên việc khai thác sử dụng nước cần phải có cơ sở như các ngành kinh tế khác.

Ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL- cho rằng, phải bắt đầu bằng tầm nhìn phát triển bền vững, đứng trên “3 chân”: kinh tế- xã hội- môi trường. Nên thay đổi tư duy từ “tăng gia sản xuất”- vốn chỉ chú trọng sản lượng- sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp và chú trọng chất lượng. ĐBSCL có những đặc điểm tự nhiên đặc thù, cần phải được hiểu để xây dựng những kế hoạch thích ứng phù hợp, không nên chống lại.

Còn theo ông Nguyễn Hiếu Trung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cần bố trí, sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên; chuyển đổi sử dụng đất theo hướng giảm thâm canh, sản phẩm sản xuất theo thị trường; quy hoạch sử dụng đất tối ưu theo hướng giải pháp tiết kiệm nước, giảm sử dụng phân bón;…

Là một quốc gia có nhiều thành tựu trong việc thích ứng biến đổi khí hậu, Hà Lan có nhiều kinh nghiệm kết hợp sử dụng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.

Trong nỗ lực hỗ trợ ĐBSCL thích ứng tốt với những tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia Hà Lan cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ để đưa ĐBSCL thành khu vực bền vững, thích ứng tốt và thịnh vượng hơn. Đó là biến những thách thức thành cơ hội kinh doanh bền vững, kết hợp quản lý nước và sản xuất nông nghiệp thành công.

Theo Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam- bà Elsbeth Akkerman: Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác để phát triển ĐBSCL thành một khu vực bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thịnh vượng hơn.

Thời gian qua, biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến Vĩnh Long. Biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào đầu năm 2016.

Thống kê cho thấy, tổng thiệt hại thiên tai trong năm 2016 trên 310 tỷ đồng với các loại thiên tai như như giông, lốc xoáy, mưa lớn, triều cường, trong đó đáng kể nhất là thiệt hại do hạn, mặn khoảng 293 tỷ đồng. Huyện Vũng Liêm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 276 tỷ đồng, kế đến là Trà Ôn là 14,3 tỷ đồng và Mang Thít là 3 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, mặc dù chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào đầu năm 2016 làm cho tăng trưởng của ngành bị sụt giảm, nhưng với sự quyết tâm của người dân cùng sự hỗ trợ của chính quyền đã giúp ngành nông nghiệp nhanh chóng phục hồi và đạt tăng trưởng 2,14% vào năm 2017. Ước giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2018 tăng trưởng khoảng 2%.

Đương đầu, vượt qua thách thức

Đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long, cây lúa sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố như nhiệt độ, ngập, xâm nhập mặn, giông bão, lốc xoáy cả hiện tại và tương lai.

Khi nhiệt độ tăng cao, các đợt nắng nóng kéo dài sẽ làm suy giảm năng suất nuôi trồng, gia tăng nguy cơ dịch bệnh. Xâm nhập mặn có khả năng làm thay đổi chất lượng nước, tăng nguy cơ phát sinh một số mầm bệnh có hại cho các loài sinh vật nuôi trồng.

Biến đổi khí hậu tác động chủ yếu đến môi trường đất và nước. Hầu hết các kinh, rạch trong tỉnh là dòng chảy 2 chiều phần lớn thời gian trong năm nên dễ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, tập trung ở Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít. Nguy cơ về mặn hóa đất đai, bạc màu, khô hạn, nguồn nước bị nhiễm mặn, suy giảm đa dạng sinh học, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng sản xuất nông nghiệp.

Trong mọi nỗ lực đương đầu, thích nghi với biến đổi khí hậu, đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã bắt đầu có hiệu ứng tích cực và góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Sau 5 năm triển khai, đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Trong đó cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng màu và cây ăn trái. Chăn nuôi giữ vững được tổng đàn và sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Lĩnh vực thủy sản khởi sắc với sự phục hồi của đàn cá tra và phát triển các mô hình thủy đặc sản.

 

Cơ cấu lại nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch củ huệ- thời gian qua, chuyển đổi cây trồng này trên đất lúa mang lại hiệu quả khá cao tại huyện Bình Tân.
Cơ cấu lại nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch củ huệ- thời gian qua, chuyển đổi cây trồng này trên đất lúa mang lại hiệu quả khá cao tại huyện Bình Tân.

Diện tích cây ăn trái của tỉnh tăng đều qua các năm, 2 loại cây được xác định là chủ lực của tỉnh là cam sành và bưởi có sự gia tăng mạnh về diện tích.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hình thành các vùng chuyên canh một số cây ăn trái như bưởi Mỹ Hòa, cam sành Tam Bình, nhãn Long Hồ, xoài Vũng Liêm,… một số mô hình đã được cấp chứng nhận GlobalGAP, VietGAP.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp dưới tác động của biến đổi khí hậu, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, quan điểm phát triển nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới là chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, phát triển ổn định và bền vững.

Theo đó, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh là củng cố, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản chủ lực, nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản.

Bài, ảnh: LÊ SƠN