Tìm lời giải cho cây khoai lang ổn định, hiệu quả

Kỳ cuối: Lộ trình cho chuỗi cung ứng khoai lang

Cập nhật, 16:10, Thứ Ba, 15/01/2019 (GMT+7)

Những nghiên cứu về khoai lang trước nay không ít, tuy nhiên đã đến lúc cần có một lộ trình với những đầu ra an toàn hơn cho khoai lang, không đơn thuần là tăng năng suất. Khoai lang cần có bài toán để sản xuất sạch hơn, an toàn hơn và “n” chuyện sau thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến thành những đặc sản của tỉnh Vĩnh Long.

Ở tầm vĩ mô hơn, cần tính tới việc đưa khoai lang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, vươn xa đến những thị trường khó tính.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho khoai lang.
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho khoai lang.

Khoai lang vừa ngon vừa bổ đây!

Tính đến tháng 10/2018, vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân đã được chứng nhận 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 87ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã xây dựng thương hiệu khoai lang cho cơ sở sản xuất, chế biến khoai lang Hồng Phúc.

Để hạn chế tình trạng sử dụng phân thuốc hóa học, ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ nói: “Tôi đề nghị ngành nông nghiệp có những pa nô lớn cho người dân biết quy trình sản xuất an toàn, sao cho ngày nào bà con ra đồng khoai cũng nhìn thấy”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Danh còn đề nghị cần khai thác hết tiềm năng của khoai, như tách chất anthocyanin trong khoai lang tím để làm thực phẩm chức năng. Khoai lang tím là loại thực phẩm giàu các chất mangan, canxi, vitamin A- B, choline và các chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, khoai lang tím còn được các nhà khoa học chứng minh giúp giảm cân, giảm huyết áp, giảm khả năng gây ung thư,…

Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn. Khoai lang cần ngon, bổ dưỡng, không có dư lượng thuốc trừ sâu, không chất kích thích. Ngoài ra, cần chú trọng: trồng lúc nào hiệu quả, nghiên cứu thị trường. Khoai thô thì bán giá thấp nhưng qua chế biến: sấy khô, làm bột sẽ có giá trị hơn.

Bên cạnh đó, màu tím của khoai rất đẹp, nên tận dụng lấy màu thực phẩm. Mới đây, anh Nguyễn Thanh Việt (TP Vĩnh Long) đã có những sản phẩm mới từ khoai lang như: bánh canh, bánh hộp, chè ỉ, bánh tai heo,… Tin rằng, những sản phẩm được làm từ đặc sản khoai lang rồi sẽ bay xa.

Với tâm lý của một người tiêu dùng khi đi siêu thị ở Hàn Quốc, PGS.TS Hồ Thanh Phong thử mua khoai lang về ăn, giá cao gấp 5 lần ở Việt Nam- khoảng 300.000 đ/kg. Mùi vị chẳng khác gì khoai Việt Nam nhưng ông Hồ Thanh Phong nói “cảm thấy yên tâm hơn nhiều bởi họ đóng gói, có hạn sử dụng, thông tin truy xuất nguồn gốc. Như vậy, nếu thực phẩm sạch, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra giá cao để mua”.

Ông Trừ Trung Tín- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân- băn khoăn là làm sao tạo được sản phẩm an toàn. Trước khi nói đến tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, “bà con hãy tự đặt ra chuẩn cho mình là dám trồng thì dám ăn cái mình trồng, lấy khoai đó chế biến đồ ăn trong gia đình mình!” Còn người làm công tác nông nghiệp phải có trách nhiệm vận động, hướng dẫn nông dân không lạm dụng thuốc, nên sử dụng thuốc sinh học, phân hữu cơ.

Đa dạng đầu ra

Ông Lê Văn Phúc- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- nói: “Hạn chế lớn nhất của chúng ta là bán khoai lang chủ yếu cho thị trường Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch nên vô cùng khó khăn”. Vậy để xuất khẩu chính ngạch, khoai lang cần được rửa sạch, đóng thùng, dán nhãn, có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo theo chuẩn mà khách đặt ra.

Như vậy, nông dân phải đổi mới tư duy ngay từ bây giờ. “Trước khi trồng phải xác định bán hàng cho ai, bán bao nhiêu, chủ động về giá cả chứ không như trước đây, trồng xong rồi mới… năn nỉ bán”- ông Lê Văn Phúc phân tích thêm- “Trung Quốc có mùa lạnh không thể trồng được khoai, nếu chúng ta tận dụng thời cơ trồng vào lúc đấy thì có thể bán được giá, đó là chủ động nắm được thị trường”.

Mặt khác, thị trường nội địa vô cùng tiềm năng nhưng chúng ta lại đang bỏ ngỏ. Ông Lê Văn Phúc gợi ý: Không chỉ bán củ tươi mà chúng ta phải linh hoạt chế biến thành bánh kẹo, tinh bột, rượu,… tùy vào mùa thu hoạch. “Không có gì tốt hơn xây dựng nhà máy chế biến ngay vùng nguyên liệu, hiện nay con số nhà máy sơ chế khoai còn quá ít so với tiềm năng”.

Ông Lê Văn Phúc cho rằng: “Khoai mà thu hoạch xong bỏ vô bao bán đại là thua ngay. Từ bây giờ, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho mình, được chứng nhận GlobalGAP, chuẩn bị bao bì, nhãn mác,… để có cơ hội là nắm bắt xuất khẩu ngay chứ không phải ngồi đợi đến khi xuất khẩu mới bắt tay làm là không kịp nữa”.

Cơ hội khoai tươi đến với thị trường khó tính còn xa thì chúng ta phải tìm đường đi trước mắt bằng cách chế biến. Xây dựng những vùng sản xuất tập trung không rời rạc để liên kết ra biển lớn. Có thể học hỏi mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó, hợp tác xã đóng vai trò hết sức quan trọng: đại diện cho vùng, tập kết sản phẩm đưa ra thị trường. Thêm vào đó, cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất khoai lang ngay.

ThS. Nguyễn Văn Liêm cho rằng: Đây là vấn đề khó vì bà con quan niệm “máy móc chỉ làm dòng xuôi, bà con quan niệm làm dòng ngang càng nhiều thì mới càng trúng mùa”. Vấn đề nữa là thay đổi cách sử dụng phân thuốc hóa học thành phân vi sinh, thuốc hữu cơ, làm sao giảm được giá thành. Điều cần thiết vẫn là nông dân phải thay đổi tập quán, tư duy sản xuất.

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT)

Bài toán tiếp theo đặt ra là quảng bá thương hiệu khoai lang. Bởi nếu tổ chức lễ hội khoai lang thì tốn chi phí 4 tỷ đồng hoặc thực hiện tuần lễ trưng bày tại Hà Nội thì cũng mất 1 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ

Người nghiên cứu về khoai lang không ít nhưng chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất làm sao có sản lượng cao mà ít đầu tư, đi sâu nghiên cứu khâu sau thu hoạch: chế biến, thị trường, làm sao tạo uy tín… để nâng cao giá trị khoai lang, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.


Ông Bùi Văn Phèn- nông dân ấp Thành Nhân (xã Thành Lợi- Bình Tân)

“Tui trồng 8 công khoai từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, mấy năm gần đây lời nhiều hơn mà lỗ cũng nhiều hơn nên trồng khoai mà lo nơm nớp. Phải có tổ hợp tác đàng hoàng, ngồi chung lại, có người lãnh đạo bài bản, phối hợp nhịp nhàng, liên kết với nhà khoa học để đạt chất lượng và năng suất thì khoai lang mới có chỗ đứng.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY