Nâng cao giá trị lúa gạo từ khâu giống

Cập nhật, 08:28, Thứ Ba, 18/12/2018 (GMT+7)

 

Hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh ngày càng được củng cố và nâng cao năng lực sản xuất.
Hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh ngày càng được củng cố và nâng cao năng lực sản xuất.

Qua 2 năm triển khai, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần được duy trì tại 36 cơ sở, hộ sản xuất trong cả tỉnh. Đây còn là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn lúa giống nguyên chủng đạt chất lượng, góp phần chủ động cung ứng nguồn giống phục vụ sản xuất giống xác nhận, lúa hàng hóa, nâng cao giá trị lúa gạo.

Trong năm 2018, dự án triển khai 70ha tại 7 huyện- thị trong tỉnh, trong đó cao nhất là Vũng Liêm (23ha), kế đến là Tam Bình (18ha), Trà Ôn (13ha); thấp nhất là Bình Tân (2ha).

Theo Ban quản lý dự án, một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án là số lượng giống siêu nguyên chủng không đủ theo yêu cầu đặt hàng nên ảnh hưởng đến lịch thời vụ của dự án.

Trong khi đó, hơn 70% các cơ sở tham gia đều yêu cầu giống OM 5451, tuy nhiên số lượng giống siêu nguyên chủng này Viện Lúa ĐBSCL cung cấp còn hạn chế. Chưa kể, nhân công lao động khan hiếm nhất là khâu cấy lúa, khử lẫn. Ngoài ra, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến lịch thời vụ và sản lượng lúa giống.

Khó khăn là vậy nhưng kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Năng suất lúa tươi 3 vụ năm 2018 đạt bình quân 6,2 tấn/ha. Sản lượng đạt 434 tấn giống lúa tươi cấp nguyên chủng. Giá thành sản xuất 4.845 đ/kg, giá bán giống lúa tươi 7.500 đ/kg, lợi nhuận đạt 16,4 triệu đồng/ha, nếu tính khoản hỗ trợ của dự án thì lợi nhuận đạt 22,7 triệu đồng/ha.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, dự án còn mang lại một số lợi ích như đồng ruộng sạch lúa cỏ, lúa nền và góp phần làm giảm áp lực dịch hại trên đồng. Chất lượng hạt giống tốt, hạt lúa có độ đồng đều cao.

Bên cạnh đó, dự án góp phần bảo vệ môi trường sinh thái do sử dụng ít phân, thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao tại địa phương với giá thành rẻ (7.000 đ/kg). Việc hỗ trợ công tác kiểm định- kiểm nghiệm tạo nền tảng cho người sản xuất tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng hạt giống.

Ông Nguyễn Quốc Việt (ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận- Bình Tân) cùng một số hộ dân cùng ấp Kinh Mới tham gia sản xuất lúa giống của dự án, cho biết: Với diện tích sản xuất 2ha, năng suất đạt trên 6 tấn/ha, tổng sản lượng giống cung cấp ra thị trường hơn 12 tấn, giá bán được 7.200 đ/kg. Sắp tới, ông sẽ mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu lúa giống đạt chất lượng của nhiều hộ dân tại địa phương.

Còn ông Thạch Đara- Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Mỹ (Trà Ôn), thì phấn khởi khi được tham gia dự án, với nhu cầu giống rất lớn tại địa phương nên sắp tới hợp tác xã sẽ đăng ký sản xuất thêm 1ha.

Theo bà Trương Thị Thu Hương- Trưởng Trại Lúa giống (Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh), hiện Trại Lúa giống tỉnh chưa có lò sấy nên phải liên kết với bên ngoài, do đó chi phí sấy, vận chuyển đã tiêu tốn 1.200 đ/kg lúa. Sắp tới khi trại đầu tư lò sấy thì sẽ tiết giảm được khoản chi phí này và cơ sở, hộ sản xuất cung cấp giống cho trại sẽ có lợi nhuận khá hơn.

Ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho rằng: Làm lúa giống phải có đam mê. Với lòng đam mê, thời gian qua người dân tham gia dự án đã tiếp thu các kỹ thuật rất tốt và ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Hy vọng trong thời gian tới, người dân sẽ tiếp tục phát huy tốt kết quả này nhằm sản xuất ra giống lúa chất lượng, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo.

Dự án hỗ trợ 30% tổng chi phí sản xuất, tương đương 9 triệu đồng/ha và thu hồi 30% tổng chi phí đã hỗ trợ khoảng 2,7 triệu đồng/ha.
Người dân đối ứng diện tích đất sản xuất và 70% tổng chi phí sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2,3 tỷ đồng.

36 cơ sở tham gia sản xuất trên 70ha. Trong đó, vụ Đông Xuân có 5 cơ sở sản xuất 9ha, Hè Thu 4 cơ sở sản xuất 9,6ha và Thu Đông 27 cơ sở sản xuất 51,4ha. Giống lúa được hỗ trợ gồm 5 giống sản xuất trong dự án: OM 5451, OM 4900, OM 7347 và IR 50404, trong đó giống OM 5451 được sản xuất nhiều nhất với 55ha, chiếm 78,6% diện tích. Cấp giống sử dụng là cấp siêu nguyên chủng do Viện Lúa ĐBSCL cung cấp. Số lượng giống sử dụng cho 70ha là 2.800kg, bình quân 40kg/ha.

Theo kế hoạch, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020, thực hiện trong năm 2019, sản xuất 75ha, tăng 5ha so với năm 2018. Chỉ tiêu phân bổ gồm: Vũng Liêm (22ha), Tam Bình (16ha), Trà Ôn (15ha), Long Hồ, Mang Thít (mỗi huyện 8ha), TX Bình Minh (4ha), Bình Tân (2ha). Dự án cũng sẽ mở lớp kiểm định- kiểm nghiệm đồng ruộng cho 20 học viên trong toàn tỉnh.

Bài, ảnh: THÀNH LONG