Điểm sáng từ HTX Nông nghiệp cam sành organics Trà Ôn

Cập nhật, 13:27, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)

Đây là hợp tác xã (HTX) có hội đồng quản trị năng động, năng lực, có liên doanh liên kết theo chuỗi giá trị, làm tốt công tác xã hội, phù hợp với xu thế phát triển (sản phẩm hữu cơ), có hiệu quả và có triển vọng trong tương lai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

BCĐ Kinh tế tập thể tỉnh Vĩnh Long khảo sát HTX Nông nghiệp cam sành Organics Trà Ôn vào 9/2018.
BCĐ Kinh tế tập thể tỉnh Vĩnh Long khảo sát HTX Nông nghiệp cam sành Organics Trà Ôn vào 9/2018.

HTX Nông nghiệp Cam sành Organics Trà Ôn được thành lập vào ngày 28/4/2017, có 30 thành viên, 36 lao động, diện tích sản xuất 50ha, vốn điều lệ 900 triệu đồng, vốn lưu động 800 triệu đồng. Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên.

Sau khi thành lập, Hội đồng quản trị đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực góp vốn, học tập chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác, cung cấp phân bón và bao tiêu đầu ra cho thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất an toàn hữu cơ và hữu cơ organics cho vùng cam sành, lúa hữu cơ và các loại nông sản khác tại nhiều địa phương trong,

ngoài tỉnh và tiến hành khảo nghiệm các sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học theo danh mục của Cục Bảo vệ thực vật cho phép sử dụng trên cây ăn trái, lúa, hoa màu tại các vùng nguyên liệu với kinh phí do Tập đoàn Axlas tài trợ (350 triệu đồng).

Kết quả bước đầu rất khả quan, đã tạo ra những sản phẩm như trái cam sành, lúa hữu cơ, các loại nông sản khác đạt chất lượng, an toàn hữu cơ organics theo hướng bền vững.

Hiện HTX đã hình thành 2 vùng nguyên liệu cam sành ở huyện Trà Ôn với 35ha đã ký hợp đồng bao tiêu. Theo đó, năm 2019 sẽ tăng thêm 20ha, nâng tổng diện tích đạt 55ha.

HTX đã phối hợp với nhà máy phân bón hữu cơ và hữu cơ organics chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung cấp hỗ trợ phân bón với giá thấp hơn giá thị trường cho thành viên HTX và các đơn vị bạn có nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi kinh doanh liên kết, thực hiện mô hình mới theo chiến lược giá ổn định, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, đầu ra tiêu thụ hàng hóa ổn định lâu dài.

Đặc biệt, HTX đã được công nhận logo nhãn hiệu Cam sành Trà Ôn và đã ký hợp đồng với đơn vị NHO NHO đánh giá chứng nhận vùng ASEAN organics cam sành Trà Ôn giai đoạn 1, 2 (thực hiện từ 28/9/2017- 28/9/2019).

Ngoài ra, HTX đã liên kết cùng Tập đoàn Alex’S Organics Nutrition Food For Animal USA tiếp cận thị trường các loại cây trái đã khảo nghiệm, có kết quả cao cho gạo, cam sành trong việc loại trừ những kim loại nặng khỏi định mức cho phép;

kết hợp Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cam hữu cơ ra thị trường; ký hợp đồng với Công ty Antesco An Giang để phát triển đậu nành rau cho các xã có nhu cầu cơ cấu lại 2 vụ lúa- 1 vụ màu với giá ổn định trong năm là 11.000 đ/kg.

Sau gần một năm hoạt động, HTX đã tổ chức được dịch vụ cung ứng gần 100 tấn phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ organics và tổ chức thu mua bao tiêu 90 tấn sản phẩm cam sành đạt chuẩn organics cho thành viên HTX.

Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: 2,65 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế: 192 triệu đồng; trích lập quỹ đầu tư phát triển (20%): 38,4 triệu đồng; quỹ dự phòng (5%): 9,6 triệu đồng; quỹ khen thưởng (5%): 9,6 triệu đồng.

Tổng lợi nhuận chia cho thành viên: chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ (70%): 94,08 triệu đồng; chia lãi theo vốn góp (30%): 40,32 triệu đồng.

Với kết quả đó, HTX đã hỗ trợ 100 phần quà (trị giá 150.000 đ/phần gồm tập, gạo, quần áo) cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại ấp Trà Sơn (xã Hựu Thành); hỗ trợ Đội Dân phòng ấp Mỹ Phú (xã Tân Mỹ) 12 bộ quân trang đồng phục (quần áo, giày, nón và đèn pin); hỗ trợ Tổ từ thiện ấp Giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ) 3 triệu đồng;

hỗ trợ Hội Nông dân xã Tân Mỹ 500.000đ; hỗ trợ 50% chi phí cho 32ha lúa tại các điểm sản xuất trình diễn mô hình lúa an toàn hữu cơ sinh học, sử dụng 100% thuốc trừ sâu hữu cơ organics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó ở xã Thới Hòa và xã Hựu Thành (1.000 quyển tập/xã).

Tuy nhiên, HTX cũng còn không ít khó khăn. Đó là chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên môn;

dịch vụ đầu vào đôi khi chưa kịp thời, còn thiếu vốn để nhập sản phẩm hữu cơ sinh học; sản xuất nông sản theo quy trình an toàn hữu cơ, hữu cơ organics là mô hình mới nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý do nông dân có thói quen sản xuất theo tập quán cũ; vùng nguyên liệu cam sành ở Trà Ôn rất lớn nhưng chưa có điểm sơ chế, đóng gói bao bì;...

Để tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển, HTX cần đề ra một số giải pháp:

Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia HTX, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, nhất là thực hiện sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu (trồng đậu nành rau). Riêng xã Thiện Mỹ vận động nhân dân tham gia quy hoạch vùng lúa hữu cơ chất lượng cao với 100ha,

phối hợp Công ty UBB chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ 20% chi phí vật tư tổng hợp, phần còn lại cho nông dân thiếu sau thu hoạch sẽ hoàn trả, bao tiêu sản phẩm đạt chất lượng nhằm ổn định đầu ra;

Thực hiện tốt khâu dịch vụ trong sản xuất nhằm hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, tích cực sử dụng các sản phẩm dịch vụ của HTX; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị;

Đầu tư thêm trang thiết bị, nhà kho, xưởng chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, sản xuất có xuất xứ, có mã vạch rõ ràng, sử dụng 100% thuốc trừ sâu hữu cơ organics.

Đây là hợp tác xã có hội đồng quản trị năng động, năng lực, có liên doanh liên kết theo chuỗi giá trị, làm tốt công tác xã hội, phù hợp với xu thế phát triển (sản phẩm hữu cơ), có hiệu quả và có triển vọng trong tương lai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Đây là hợp tác xã nông nghiệp điểm của tỉnh, còn non trẻ, rất cần sự hỗ trợ, chung tay góp sức của các sở ngành và chính quyền các cấp để HTX phát triển bền vững theo Chỉ thị 13/CT-UBND, ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012.

Bài, ảnh: VĂN HỮU HUỆ