Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật, 21:28, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)

Nhờ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nên lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP. Bạc Liêu tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản từ đầu nhiệm kỳ (2015 - 2020) đến nay là 99.098 tấn, so với chỉ tiêu đạt 52,15%. Riêng sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lúa, rau màu, củ quả các loại đến nay đạt 165.446 tấn.

Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) chăm sóc rau màu. Ảnh: K.T
Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) chăm sóc rau màu. Ảnh: K.T

Để phục vụ tốt cho sản xuất, TP. Bạc Liêu đã tập trung công tác quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn.

Đến nay, thành phố đã lập quy hoạch 11 tiểu vùng sản xuất ở các phường, xã; đồng thời quy hoạch vùng đê bao khép kín trong từng tiểu vùng sản xuất để chống úng; phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa, màu, cây ăn trái giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học. Kiểm tra tình hình dịch bệnh; hướng dẫn nông dân sản xuất theo lịch thời vụ và chủ động phòng chống sâu bệnh, khô hạn và ngập úng…

Phát huy thế mạnh này, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đê bao, chống ngập úng;

kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường như tôm và các loại hải sản khác, lúa gạo và các loại rau, quả nhiệt đới. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất tôm giống chất lượng cao tại các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh (phường Nhà Mát);

từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống quy mô lớn, có uy tín ở vùng ĐBSCL và cả nước, góp phần vào việc thực hiện chủ trương “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến môi trường nuôi tôm, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để có biện pháp xử lý, phòng tránh kịp thời; đầu tư hệ thống ô đê bao khép kín vùng sản xuất hoa màu, cây ăn trái của thành phố…

Theo Bảo Hoàng (Báo Bạc Liêu)