Xây dựng nền nông nghiệp "lương thiện"

Kỳ 4: Lộ trình cho nông nghiệp hữu cơ

Cập nhật, 07:58, Thứ Sáu, 26/10/2018 (GMT+7)

 

Kỹ sư trẻ Trương Thành Đạt khởi nghiệp từ cọng rau sạch.
Kỹ sư trẻ Trương Thành Đạt khởi nghiệp từ cọng rau sạch.

Khoan hãy mơ đến những giấc mơ về những người chủ trang trại hàng ngàn hecta, hàng trăm ngàn hecta để xây dựng những cánh đồng lớn hữu cơ.

Hãy bắt đầu từng bước một làm thay đổi suy nghĩ của từng nông dân, cộng đồng dân cư hướng đến sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường; khôi phục cách làm ăn chân thật, thuần lương vốn là bản chất đôn hậu của người dân Nam Bộ xưa.

Đây là những bước đi nhỏ đầu tiên, nhưng vô cùng quan trọng và căn cơ trên con đường nông nghiệp hữu cơ của đồng bằng.

Những “sứ giả hữu cơ”

Chị Nguyễn Thu Thủy (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) xuất hiện với bịch quýt đường và câu chuyện trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường.

Trước đây, gia đình chị Thu Thủy trồng quýt hồng, mỗi năm thu về mấy trăm triệu nhưng trong nhà không dám… đụng tới trái quýt, bởi mình trồng mình biết lạm dụng quá nhiều phân thuốc hóa học.

“Cứ 10 ngày là xịt như nhúng thuốc vậy thì trái mới căng bóng lên, nếu xịt sót chừng 1 lõm móng tay thôi thì lõm đó sẽ bị đen trái và trái đó sẽ bị lái dạt ra”.

Đến khi người chuyên phun thuốc thuê cho vườn quýt chị Thu Thủy bị ung thư chết, “bác sĩ nói bộ đồ lòng banh chành hết vì ngấm thuốc”- giọng chị Thu Thủy chùng xuống cảm giác như người có lỗi- “thì tôi quyết định bán hết đất vườn ở Lai Vung về Châu Thành mua đất để trồng cây theo hướng sinh học”.

Khoảng 2 năm đầu tiên chuyển sang hướng hữu cơ, chị Thu Thủy không nhớ mình đã ra vườn “khóc lén” bao nhiêu lần vì “cây không lớn bao nhiêu, trồng năm rưỡi mà chưa ra đọt non”. Và sau mỗi lần khóc như vậy, chị Thu Thủy lại vun phân, tưới nước cho cây.

Chị Thu Thủy (trái) hạnh phúc bên vườn cây hữu cơ.
Chị Thu Thủy (trái) hạnh phúc bên vườn cây hữu cơ.

Chị đi xin vỏ hột vịt, rồi mua phân bò, phân gà, phân dơi sau đó trộn với nhau ủ thành phẩm rồi bón vô cho đất, giải độc cho đất. Chất đạm, kali, lân,… có được bằng cách dùng cây chuối ủ thành lân, con cá ủ thành đạm, còn các loại trái cây như dưa hấu “ế, bỏ” chị đem về ủ thành kali. Đất không phụ lòng người, đất được phục hồi và nuôi cây lớn.

Hiện nay, vườn cây ăn trái của chị lúc nào cũng sai oằn, trĩu quả và giá bán lúc nào cũng cao hơn giá thị trường nhờ được các thương lái ở TP Hồ Chí Minh tìm mua bao tiêu sản phẩm.

Chị Thu Thủy tâm sự: “Cái mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người nhìn được những trái cây thiên nhiên được trồng sạch đem đến sức khỏe cho mọi người. Nếu nông dân nào muốn trồng theo phương pháp hữu cơ này thì tôi hứa sẽ tận tình giúp đỡ”.

Do đó, giờ đây chị Thu Thủy như một “sứ giả hữu cơ” hễ có cơ hội là tuyên truyền, vận động mọi người cùng mình thay đổi cách nghĩ, cách làm hướng đến sự làm ăn chân thật, lương thiện, vì suy nghĩ “mình xịt thuốc vào cây trái cho người ta ăn khác nào làm chuyện ác vậy”. Cái chết của công nhân xịt thuốc thuê như một nỗi ám ảnh chị không nguôi.

Khác với chị Thu Thủy, chàng kỹ sư nông nghiệp Trương Thành Đạt quyết tâm khởi nghiệp từ lời dặn của người thầy: “Hãy mang kiến thức của mình làm điều có lợi cho bản thân nhưng phải có ích cho xã hội”. Vậy là vườn rau sạch và hành trình mang tên “Ếch Ộp” ra đời ở TP Long Xuyên (An Giang).

Tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn (ĐH An Giang), Đạt có 2 năm tham gia nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao và rau an toàn.

Cũng chính trong giai đoạn này, Đạt say mê với nông nghiệp hữu cơ và bắt đầu tìm hiểu về cách trồng rau của các nước tiên tiến và ưu tiên chính là cách làm của người Nhật. Đó là hành trình mà Đạt phải trải qua trong thời gian đầu, để rồi, Đạt cùng một người bạn có chung niềm đam mê thuê đất ở phường Mỹ Quý (TP Long Xuyên) thành lập nông trại nhỏ mang tên “Ếch Ộp”.

Rút kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp không thành công trước đó, Đạt xác định trồng rau sạch theo hướng tự nhiên “truyền thống”, để cây sinh trưởng đúng mùa vụ.

Sau hơn 1 năm sản xuất, nông trại của Đạt hiện có 32 loại rau củ. Đây là công sức mà theo Đạt, không chỉ của riêng mình mà còn là của chung một tập thể, của những thanh niên “thế hệ 9X” có cùng một đam mê…

Trang trại Ếch Ộp trở thành nơi vui chơi cuối tuần của các bạn nhỏ học sinh tìm hiểu về ruộng rẫy, là nơi thực tập của các sinh viên ngành nông nghiệp, nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm các nhà vườn trong khu vực, thường xuyên là điểm đến của các chuyên gia nước ngoài. Đó là những hiệu quả, lợi ích xã hội trước mắt dù nhỏ nhưng rất cần thiết trong từng bước đi xây dựng nền nông nghiệp sạch ở đồng bằng.

Đạt chia sẻ không giấu giếm cách làm: “Từ khâu cải tạo đất, người trồng ưu tiên bảo vệ và xây dựng hệ vi sinh bản địa để đất khỏe, hạn chế các mầm bệnh tấn công cây trồng. Nguồn nước được xử lý rất kỹ qua hệ thống cây thủy sinh có đặc tính lọc nước tạo nguồn tưới sạch. Còn giống rau được chọn từ công ty uy tín.

Phân bón chủ yếu từ phân hữu cơ chỉ kết hợp một lượng vừa đủ phân hóa học để đất có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết… Cùng với đó là hàng loạt các kỹ thuật bẩy sinh học diệt côn trùng gây hại, ưu tiên phát triển thiên địch,… để cuối cùng tạo ra sản phẩm an toàn”.

Tháng 7/2015, dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre” do Tổ chức Seed to table tài trợ bắt đầu triển khai tại Ba Tri. Diện tích rau hữu cơ PGS hiện nay là: 4.800m2. Trong đó, đạt chuẩn hữu cơ là 2.500m2, đang áp dụng là 2.300m2. Hướng tới, huyện vẫn có chủ trương phát triển sản xuất rau theo hướng hữu cơ để đảm bảo môi trường bền vững và bảo vệ sức khỏe cho nông dân, cung cấp sản phẩm ngon và an toàn cho người tiêu dùng. Các xã trong vùng dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre” sẽ tiếp tục vận động nông dân sản xuất rau hữu cơ PGS.

Thay đổi nhận thức cộng đồng

Ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri- Bến Tre- nói với chúng tôi là truyền thống trồng rau hữu cơ đã có ở An Hòa Tây từ xưa “từ thời chưa có phân thuốc hóa học”.

Rồi khi phân thuốc hóa học ngày càng nhiều thì cũng như những nông dân khác, bà con ở đây “sáng xịt chiều nhậu”, nên khi triển khai dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre” do Tổ chức Seed to table (Từ hạt giống đến bàn ăn- Nhật Bản) tài trợ bắt đầu triển khai tại đây cũng có chút khó khăn. Ông Bùi Văn Hiếu giải thích thêm: “Vì thay đổi nhận thức của con người thì rất khó”.

Cô Hồng bên luống rau trong nhóm hữu cơ PGS Bến Tre.
Cô Hồng bên luống rau trong nhóm hữu cơ PGS Bến Tre.

Với diện tích sân sau nhà 500m2, cô Hồ Thị Hồng (xã An Hòa Tây)- một thành viên nhóm hữu cơ PGS- nói: 2 năm trước, đó là chỗ cột bò, chất rơm.

Cô Hồng vừa chỉ tay cho chúng tôi xem mảnh vườn “nho nhỏ xinh xinh” với những luống rau thẳng thớm đã thay cho mảnh sân bỏ phí. Đầu mỗi luống là những cây hoa cúc, hoa móng tay, hoa sao nhái có tác dụng dẫn dụ thiên địch, ức chế không cho sâu bệnh phát triển.

Trong mỗi luống cải cũng có sự đan xen giữa các loại để khống chế sâu bệnh. Trồng các loại hẹ, mồng tơi, đu đủ xen với rau để xua đuổi các loại sâu, rầy, rệp.

Xưa đất không “ngon” như vầy đâu, qua một quá trình cải tạo đất bằng phân hữu cơ mới xuất hiện những luống rau này. Rồi cô Hồng say sưa với những câu chuyện về phân hữu cơ lấy từ 5 con bò nhà “dư sức” bón đất.

“Phân bò thải ra được ủ nóng cùng với nấm trichoderma, cá khô, cỏ, rơm rạ. Phân được ủ nóng từ 3 tháng trở lên để diệt các vi khuẩn có hại cho cây trồng và hạt cỏ dại”- cô Hồng chia sẻ. Những đêm cô xách đèn ra bắt ốc ma, rồi những con ốc ma đó lại được ngâm rượu để làm thuốc xịt cho cây “bổ sung canxi”, những loại thuốc diệt sâu từ tỏi, gừng, ớt ngâm rượu,…

Khi bắt đầu làm rau hữu cơ theo chuẩn PGS, điều kiện khắt khe từ khâu xin vào nhóm, đến những khóa tập huấn, xét nghiệm đất,… phải đúng quy trình và được cấp đầy đủ giấy chứng nhận. Ngoài ra, người trồng rau phải có “kế hoạch sản xuất” đầy đủ, rõ ràng: hạt giống ở đâu, ngày gieo cấy, ngày thu hoạch… và trên mỗi liếp rau đều có đánh số.

Sau 18 tháng tham gia, cô Hồng cho biết lợi nhuận thu được mỗi tháng từ 4 triệu trở lên, có tháng tiền lời lên đến 10 triệu đồng. Cô Hồng chân tình bộc bạch: “Làm rau sạch phải có cái tâm, nếu chỉ nghĩ đến tiền thì không làm được.

Trồng rau cũng không quá khó khăn hay vất vả chỉ là thuận tự nhiên “làm riết rồi ghiền”. 4 nhà chúng tôi trong nhóm như 1, phải cùng có uy tín và trách nhiệm với sản phẩm của mình”.

Bà Mayu Ino- Trưởng đại diện Tổ chức Seed to table- là người đã ở Việt Nam 20 năm nay, cho biết mô hình trồng rau hữu cơ xuất phát từ dự án cải thiện sinh kế cho hộ nghèo.

Trong quá trình thực hiện, Tổ chức Seed to table gặp không ít khó khăn từ tất cả các phía: một số người dân do sự phức tạp về ý thức của con người mà ý thức, tập quán thì khó thay đổi lắm, họ có thể trộn rau khác vào khi hụt hàng; những khó khăn về giấy tờ liên quan khi chuyển đổi hữu cơ; đơn vị tiêu thụ tham lam, ép giá,… Bà Mayu Ino nói nhẹ “đôi khi chúng tôi tự bơi là chính”.

Nhìn lại những chuyến đi về “ăn ngủ cùng rau hữu cơ PGS”, bà Mayu Ino đã “tạm hài lòng với những kết quả đạt được, chúng tôi đang hoàn thành thủ tục cho 4 hộ nữa tham gia, mở rộng dạy cho học sinh trồng rau hữu cơ trong trường học”.

Bà Mayu Ino mong có được những chính sách tốt hơn thúc đẩy khuyến nông phát triển và “năm 2019, chúng tôi triển khai mô hình này sang tỉnh
Đồng Tháp”.

Khách hàng của Phiên chợ xanh tử tế tại TP Hồ Chí Minh thích dùng rau PGS hữu cơ Bến Tre vì vừa ngon, vừa an toàn, vừa giữ được lâu.

Nguồn cung rau nhiều khi “không đáp ứng đủ” thị trường. Rau hữu cơ PGS Bến Tre đã mở đường “những tia nắng ấm” giúp những nông dân muốn làm nông nghiệp bằng trái tim của mình. Con đường từ 4 hộ dân để nhân ra 4 hộ dân nữa cần đến 3 năm, thì tương lai của rau hữu cơ PGS còn bao lâu nữa mới lớn mạnh?

Lối đi mới không bao giờ bằng phẳng và bắt đầu từ số đông, tuy ít nhưng là thực chất, họ là những hạt nhân và đừng để những con người hết lòng với cọng rau sạch vì sức khỏe cộng đồng này cảm thấy lạc lõng, cô đơn.

Đến khi người chuyên phun thuốc thuê cho vườn quýt chị Thủy bị ung thư chết, “bác sĩ nói bộ đồ lòng banh chành hết vì ngấm thuốc”- giọng chị Thủy chùng xuống cảm giác như người có lỗi- thì tôi quyết định bán hết đất vườn ở Lai Vung về Châu Thành mua đất để trồng cây theo hướng sinh học”

Bài, ảnh: NHÓM PV

(Còn tiếp)