Tranh thủ xuống giống sớm

Cập nhật, 14:34, Thứ Ba, 30/10/2018 (GMT+7)

 

Tập trung xuống giống lúa Đông Xuân đợt 1.
Tập trung xuống giống lúa Đông Xuân đợt 1.

Theo Cục Trồng trọt, việc xuống giống lúa Đông Xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn hàng năm. Hiện Vĩnh Long đang tập trung xuống giống đợt 1 vụ lúa quan trọng này.

Tập trung xuống giống lúa Đông Xuân đợt 1

Vụ lúa Đông Xuân 2018- 2019, Vĩnh Long dự kiến xuống giống 56.000ha. Căn cứ lịch xuống giống mà Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo, từ ngày 16/10- 2/11 là thời điểm xuống giống đợt 1 vụ lúa này với 12.000ha. Đợt 2 xuống giống 30.000ha từ 11- 21/11 và đợt 3 xuống giống 14.000ha từ 29/11- 19/12.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, vụ lúa Đông Xuân nay toàn huyện xuống giống 8.900ha. Theo đó, đợt 1 xuống giống 3.800ha từ ngày 16/10- 2/11 tập trung ở các xã Thiện Mỹ, Tích Thiện, Vĩnh Xuân, Tân Mỹ, Thuận Thới. Đợt 2 xuống giống dứt điểm 5.100ha còn lại tại các xã Tân Mỹ, Trà Côn, Thuận Thới, Hựu Thành, Thới Hòa, Nhơn Bình, Hòa Bình, Xuân Hiệp, kể từ ngày 9- 19/11.

Vừa xuống giống 7 công đất, nông dân Lê Văn Phúc (xã Tích Thiện- Trà Ôn) cho biết: “Theo lịch xuống giống được khuyến cáo, tôi đã tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ, tránh các đợt mưa lớn gây thiệt hại. Đợt xuống giống sớm này có thể thu hoạch lúa trước tết, sẽ bán giá cao so với vào vụ rộ sau tết”.

Để vụ lúa này đảm bảo năng suất và chất lượng, ngành nông nghiệp huyện bố trí lịch xuống giống cụ thể cho từng vùng theo hướng né rầy, tập trung, đồng loạt trên từng khu vực có hệ thống đê bao, khuyến cáo không xuống giống quá sớm hay kéo dài so với khung lịch chung. Đối với một số diện tích lúa Thu Đông được thu hoạch sớm thì vận động nông dân xả lũ, rửa chua, tháo phèn, tạo phù sa cho đồng ruộng.

Còn tại Tam Bình, vụ lúa Đông Xuân này có kế hoạch xuống giống 14.750ha. Sau thu hoạch vụ Thu Đông, ngành nông nghiệp huyện đã vận động nông dân làm đất vệ sinh đồng ruộng, xả lũ lấy phù sa, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân trong 20- 30 ngày.

Đối với diện tích sản xuất đặc thù của các ấp thuộc 3 xã: Loan Mỹ, Ngãi Tứ, Bình Ninh thì xuống giống lúa Đông Xuân đợt 1 từ ngày 16- 25/10 với khoảng 1.000ha. Đối với diện tích sản xuất lúa tập trung của huyện thì xuống giống đợt 2 từ ngày 14- 22/11, khoảng 13.750ha.

Để vụ lúa đạt hiệu quả cao, chính quyền các địa phương đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể và triển khai cho các ấp, khẩn trương kiểm tra nâng cấp cống đập, khuyến cáo người dân sau thu hoạch vụ Thu Đông nhanh chóng làm đất vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị vụ lúa mới.

Riêng tại Bình Tân, do là huyện đầu nguồn chịu ảnh hưởng lũ nên lịch xuống giống có muộn hơn.

Dự kiến 6.000ha lúa Đông Xuân 2018- 2019 của huyện sẽ được tập trung xuống giống vào đầu tháng 11 khi nước rút. Đợt 1 xoay quanh con nước mùng 10/10 âl (khoảng 2.000ha) ở các xã gò cao và đợt 2 vào con nước 25/10 âl (4.000ha) ở các xã còn lại. Riêng 2 xã Tân Quới và Tân Bình không xuống giống vụ này.

Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, bên cạnh việc vận động nông dân làm vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa- màu vụ Thu Đông, ngành chức năng còn triển khai duy tu sửa chữa hệ thống thủy lợi, tăng cường theo dõi diễn biến dịch hại.

Bởi theo dự báo, tình hình rầy nâu năm nay theo chu kỳ 10- 13 năm sẽ có đợt bộc phát mạnh có thể gây ra cháy rầy, đồng thời là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa.

Nguồn nước cho sản xuất sẽ khó khăn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình khí tượng thủy văn sẽ gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp do khan hiếm nước ngọt.

Đáng lo ngại là trạng thái El Nino có khả năng xảy ra vào những tháng đầu năm 2019 với xác suất rất cao (khoảng 60- 70%). Nếu điều này xảy ra thì chu kỳ khô hạn khốc liệt tương tự như mùa khô năm 2015- 2016 sẽ lặp lại, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp nếu không có giải pháp phòng tránh hữu hiệu.

Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp công trình, giải pháp cơ cấu lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý, tập trung xuống giống sớm để tránh hạn, mặn xảy ra vào cuối vụ cần được các địa phương chú trọng.

Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với những vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn. Mặt khác, theo nhiều dự báo thì việc thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao xảy ra do thiếu nước từ thượng nguồn.

Đồng thời chủ động biện pháp thoát ngập nếu có mưa cục bộ xảy ra lớn, có thể gây ngập cho các trà lúa sớm.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, khả năng lũ thượng nguồn và lũ ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Dự báo nguồn nước cuối mùa lũ và đầu mùa kiệt năm nay thì ảnh hưởng của triều cường mạnh lên dần vào cuối năm.

Tuy nhiên do lũ giảm đáng kể nên phạm vi có nguy cơ ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở vùng ven biển ĐBSCL là chính. Tại Vĩnh Long và Cần Thơ, tuy mực nước giảm hơn đợt triều cường đầu tháng 10 nhưng vẫn ở mức cao hơn báo động 3.

Vì vậy các địa phương cũng cần đề phòng và gia cố các bờ bao vùng xung yếu. Lũ cuối vụ năm nay rút khá nhanh, hiện mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc đã xuống thấp hơn 2 năm gần đây và vẫn có xu thế giảm nhanh. Đặc biệt, dòng chảy thượng nguồn giảm mạnh nên nguy cơ mặn sẽ xâm nhập sớm.

Tính tới cuối tháng 10, lúa Đông Xuân sớm đã xuống giống 7.354ha, lúa chủ yếu giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Lúa Thu Đông đã thu hoạch 26.495ha (hơn 51% tổng diện tích). Do ảnh hưởng của mưa bão, lúa đổ ngã 46ha trên trà lúa chín với tỷ lệ 10- 15%, tại các huyện Tam Bình và Trà Ôn.

 

Bài, ảnh: THÀNH LONG