Cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất

Cập nhật, 05:56, Chủ Nhật, 14/10/2018 (GMT+7)

Chiếm trên 85% dân số, trong đó có trên 65% lực lượng lao động xã hội, những hội viên (HV), nông dân (ND) trong tỉnh đã và đang phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Trồng tắc đang mang lại nguồn thu khá cho gia đình anh Tẻng.
Trồng tắc đang mang lại nguồn thu khá cho gia đình anh Tẻng.

1 công tắc bằng 7- 8 công ruộng

Băng qua các khu vườn, cánh đồng rộng lớn, chúng tôi đến vườn trồng tắc (còn gọi là trái hạnh, tứ quý) đang cho trái xum xuê của anh Nguyễn Thành Trí (tên thường gọi là Tẻng) ở ấp Long Khánh (xã Long Mỹ- Mang Thít).

Anh Tẻng kể: “Do đây là vùng đất gò, lúa không phát triển, nên tui chuyển sang trồng rẫy, nhưng cứ phải cuốc tới, cuốc lui làm đất rất mất thời gian. Gần đây, có người quen ở xã Chánh An (Mang Thít) tới chơi, thấy tui trồng rẫy cực quá nên chỉ cho cách trồng tắc”.

Lúc đầu, anh Tẻng chỉ trồng một ít, sau thấy có hiệu quả nên chuyển lên vườn lần lần, tới giờ được 5 công và đang dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích.

Chính vì vậy mà vườn tắc của anh cứ thu hoạch hết đợt này lại sang đợt khác. “Sang năm một số cây lớn tấn lên chắc phải mướn người hái phụ mới xuể”- anh Tẻng cho biết.

Về đầu ra cho trái tắc, anh Tẻng cười tươi: “Có đến cả chục vựa ở huyện Mang Thít và huyện Chợ Lách (Bến Tre). Cứ thu hoạch rồi chở đi bán, do tui trồng số lượng còn ít chứ trồng nhiều thì chỉ cần a lô là có
xe tới lấy”.

Thông thường những cây có múi hay bị bệnh vàng lá, nhưng cây tắc lại rất ít bệnh, chủ yếu là rải phân (15 ngày/lần) cho cây phát triển tốt, tới vụ thì hái trái.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên tắc của anh Tẻng thường cho trái to tròn, “mà các chủ vựa “ưng” nhất là tắc bánh xe (trái tròn), nhưng tới khi cần thì trái bằng đầu ngón tay cũng mua, thậm chí còn “giành” nhau mua, chỗ nào đang hút hàng thì thu cao hơn 500 đ/kg”- anh Tẻng cho biết.

Theo anh Tẻng, nếu bán ở chợ thì chịu giá “chết” 11.000 đ/kg, còn bán các mối đi Hà Nội thì có khi lên tới 22.000 đ/kg, nhưng có thời điểm chỉ vài ngàn đồng/kg.

Bình quân, mỗi tuần anh Tẻng hái trái 2- 3 lần, lúc rộ thì thu hoạch được 120- 140 kg/ngày, mỗi chuyến bán được hơn 2 triệu đồng, còn tháng nắng thì kiếm 200.000- 300.000 đ/chuyến. “So với làm ruộng thì 1 công tắc bằng 7- 8 công lúa”- anh Tẻng nói.

Chị Thanh Thúy- vợ anh Tẻng- tiếp lời: Trồng tắc thì xách giỏ ra là đã có tiền lai rai đi đám tiệc rồi. Còn bán lúa mỗi vụ cầm 1 cọc tiền, xách đi chợ là thấy “nhót”.

Ngoài bán trái, anh Tẻng còn chiết nhánh cho cây thông thoáng và bán với giá 5.000 đ/nhánh, “có đợt người ta hỏi mua cả mấy ngàn nhánh, nên trồng tắc cứ an tâm chờ lãnh tiền”- anh Tẻng khoe.

Ông Lê Hùng Mẫn- Phó Chủ tịch Hội ND xã Long Mỹ- nhận định, anh Tẻng là ND tiên phong trong việc trồng tắc tại địa phương.

Nhờ mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình nên anh Tẻng cũng như nhiều ND khác muốn nhân rộng mô hình nhưng còn thiếu vốn do chi phí đầu tư ban đầu cao. Hiện, hội đang lập dự án để hỗ trợ HV, ND mở rộng diện tích, phát triển kinh tế từ nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ ND”.

Nông nghiệp- nông dân- nông thôn có nhiều chuyển biến

Nông dân Vĩnh Long luôn cần cù trong lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển tỉnh nhà.
Nông dân Vĩnh Long luôn cần cù trong lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển tỉnh nhà.

Theo Hội ND tỉnh, Vĩnh Long có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhất là các nông sản chủ lực như: lúa gạo, khoai lang, bưởi, cá tra…

Phần lớn đã hình thành được vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Nhờ ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nên cho năng suất cao và chất lượng tốt, có thể cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Thành tựu đó có vai trò đóng góp to lớn của trên 128.000 HV, ND trong tỉnh.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua (2013- 2018), đời sống vật chất, tinh thần của HV, ND có bước chuyển biến tích cực và nâng lên, giai cấp ND đã và đang từng bước thể hiện rõ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh.

Tuy nhiên, ND vẫn còn đối mặt với khó khăn về lao động thiếu việc làm; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm, sản xuất còn nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu tập trung; một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ND khó tiếp cận, chưa được quan tâm
đúng mức...

Tại Đại hội Đại biểu Hội ND tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018- 2023, đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- lưu ý: các cấp hội cần phát động mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; trọng tâm là phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia phát triển kinh tế, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu;

liên kết chặt chẽ trong sản xuất chế biến, tiêu thụ nhằm hình thành các chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho ND- một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới, để góp phần cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện hoàn thành mục tiêu có trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, thực sự đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Bà Nguyễn Hồng Lý- Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội ND Việt Nam

Các cấp hội cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng của HV, ND, đa dạng hóa các hình thức tập hợp ND; nâng cao chất lượng hoạt động chi tổ hội, các mô hình CLB, các tổ đoàn kết tương trợ trong sản xuất... Đồng thời, tích cực tuyên truyền để mỗi HV nhận thức sâu sắc, đầy đủ về nhiệm vụ và quyền lợi của mình, tự giác tham gia vào các hoạt động và phong trào thi đua của hội.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI