Tỷ phú trồng mít Thái siêu sớm

Cập nhật, 05:48, Chủ Nhật, 09/09/2018 (GMT+7)

Mặc dù đã trên 70 tuổi nhưng ông Trần Minh Trí (phường Thành Phước- TX Bình Minh) vẫn tìm tòi học hỏi và thành công với mô hình trồng mít Thái siêu sớm cho năng suất cao đem lại lợi nhuận mỗi năm trên một tỷ đồng.

Khu vườn mít Thái siêu sớm của ông Trí tính đến nay đã phát triển lên đến 25 công.
Khu vườn mít Thái siêu sớm của ông Trí tính đến nay đã phát triển lên đến 25 công.

Nặng nợ cùng cây mít

Được sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân phường Thành Phước, chúng tôi men theo đường đan gập ghềnh cặp kinh Hai Quý đến nhà của ông Trí- một trong những người trồng mít Thái siêu sớm đầu tiên ở địa phương.

Tiếp chúng tôi bên hiên nhà, được chính những cành lá mít che phủ mát rượi, ông Trí say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu bén duyên cùng cây mít.

“Khi lập gia đình, tui được cha mẹ cho 1,5 công đất và nhờ làm thuê, mướn tích góp dần dần mua thêm được 17,5 công đất nữa. Tui đã trồng nhiều loại cây như bưởi, cam sành, sầu riêng và nhãn da bò nhưng năng suất không cao hoặc bị chổi rồng”.

Thất bại nhiều nhưng ông không nản lòng mà tiếp tục “cuộc hành trình” đi khắp các vườn cây ăn trái trong tỉnh để học hỏi và tìm chọn giống cây trồng phù hợp.

“Cuối cùng tui đã “gặp” được cây mít Thái siêu sớm và quyết định trồng nó với lý do phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, năng suất cao, mau thu hoạch và giá từ 8.000 đ/kg là có lời rồi”- ông Trí bộc bạch.

Khởi đầu khá thuận lợi do trước đó người em rể của ông đã trồng 2 công mít Thái siêu sớm khảo nghiệm và trình diễn nhằm để bán cây giống. Dựa vào đó ông đã mạnh dạn trồng hơn 10 công mít Thái siêu sớm trên mảnh đất của mình.

Ông cho biết, thời gian đầu cũng lắm khó khăn do cây bị sâu và nấm “mà mình chưa có cách trị” đã gây thiệt hại đáng kể, năng suất cũng vì thế mà giảm theo.

Lại một thử thách, ông tiếp tục học hỏi, không chỉ ở “các nhà vườn chuyên trồng mít” mà còn tìm hiểu trên Internet và trong quá trình trồng, từ đó đúc kết kinh nghiệm.

“Phải nắm vững cách trị các loại sâu. Phải dùng túi lưới để bao trái tránh sâu phá hoại, rồi tùy theo cây bệnh gì thì dùng thuốc chuyên trị bệnh đó nhưng phải thường xuyên đổi thuốc nhằm tránh sâu kháng thuốc.

Chăm sóc cây mít nhẹ công hơn các loại khác. 1 tháng rải phân 2 lần với cây chưa ra trái, 3 lần với cây đã có trái; 2 ngày tưới nước 1 lần; cắt cành tạo tán để cho ánh sáng rọi vào hạn chế sâu bệnh.

Đối với mùa mưa, không tưới nước nhưng phải rải 80kg vôi trên 1 công đất vào đầu mùa và cuối mùa để diệt khuẩn, khử chua”- ông đúc kết.

Chính kinh nghiệm này góp phần giúp vườn cây của ông cho năng suất khá cao, bình quân 1 công mít mỗi năm cho khoảng 3 tấn trái. Diện tích trồng vì thế cũng tăng lên, từ 10 công đến nay 25 công đất vườn nhà ông phủ đầy mít.

Khá lên cũng từ cây mít

Trước đây, việc tiêu thụ mít vườn nhà ông chủ yếu là bán cho thương lái. Thời gian gần đây, do nắm bắt được thị trường đang cần mít Thái siêu sớm và con cháu ông trồng mít Thái siêu sớm với số lượng lớn nên ông đã mở hẳn cơ sở thu mua để bán cho các vựa lớn.

Phấn khởi hơn là trong tháng 4/2017, phường Thành Phước đã thành lập tổ hợp tác sản xuất mít Thái siêu sớm phường Thành Phước do ông Trí làm tổ trưởng chuyên thu mua mít của bà con xuất đi các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,…, từ đó khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm mít Thái siêu sớm của bà con nơi đây dễ dàng hơn.

Tổ hợp tác sẽ đến tận vườn thu mua khi trái mít đạt 125- 135 ngày tuổi với giá hiện nay mua tại vườn là 45.000 đ/kg đối với trái loại I (từ 10kg trở lên).

Nói về lợi nhuận, trong năm 2017, bình quân cả khu vườn của ông thu hoạch khoảng 75 tấn trái, giá bình quân là 30.000 đ/kg, trừ chi phí 750 triệu đồng, lợi nhuận còn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nông dân phường Thành Phước- cho biết: “Ông Trí là hội viên gương mẫu. Ông rất sẵn sàng cho tham quan chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và bán cây giống trả chậm cho bà con”.

Hiện phường có 30ha trồng mít Thái siêu sớm ở khóm 1, 4, 5, trong đó Khóm 4 có đến 20ha và đã có 19ha cho trái. Cây mít Thái siêu sớm có thể coi đặc sản của phường và Hội Nông dân cũng tuyên truyền các hộ trong phường có nhu cầu, hội sẽ tạo điều kiện chuyển đổi sang trồng mít Thái siêu sớm.

Có thể nói cây mít Thái siêu sớm đã bám chặt rễ trên vùng đất phù sa của phường Thành Phước, nó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực cho thu nhập người nông dân, giúp cho nhiều hộ dân vươn lên khá giàu.

Tuy nhiên, nông dân không vì thế mà ào ạt trồng với diện tích lớn, cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ về thị trường để không tiếp diễn điệp khúc được mùa, rớt giá.

“Chiều ngang của liếp là 5,2m, khoảng cách giữa các cây từ 2,6- 3m, đắp mô cao 4 tấc, đường kính 2m là cây phát triển tốt. Cây mít khoảng 8 tháng tuổi là đã cho trái nhưng không nên để trái cho tới khi 16 tháng nhằm cho cây phát triển tốt. Khi cây khoảng 15-17 tháng tuổi bấm đọt để cây cao khoảng 4- 4,5m là tốt nhất nhằm tránh đổ ngã do mưa bảo lẫn nhẹ công chăm sóc và thu hoạch”- ông Trí chia sẻ.

Bài, ảnh: TẤN TÂN