Nhà nông tìm hiểu

Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá lúa

Cập nhật, 15:53, Thứ Ba, 03/07/2018 (GMT+7)

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, rầy nâu là sinh vật gây hại luôn hiện diện trên đồng ruộng.

Tỷ lệ rầy nâu di trú mang mầm bệnh vi rút càng nhiều và tới ruộng càng sớm thì nguy cơ xuất hiện bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá (VLLXL) càng sớm, gây thất thoát năng suất, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.

Một số giải pháp cơ bản phòng, chống rầy nâu và bệnh VLLXL lúa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo:

xác định thời vụ xuống giống lúa thích hợp cho từng vùng trên cơ sở kết quả bẫy đèn xác định rầy nâu trên đồng và điều kiện thực tế tại địa phương. Xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, đảm bảo cách ly giữa 2 vụ lúa 20- 30 ngày, thời gian gieo sạ không được kéo dài quá 2 tháng. Giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80- 100 kg/ha/vụ.

Vệ sinh đồng ruộng là giải pháp quan trọng để cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh. Áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong canh tác thâm canh lúa. Bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh VLLXL.

Bảo vệ lúa trong giai đoạn 40 ngày sau sạ bằng các biện pháp điều tiết nước, công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa). Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học như nấm xanh khi rầy xuất hiện mật độ thấp để duy trì liên tục nguồn thiên địch và tác nhân sinh học trên đồng ruộng, hạn chế rầy nâu bùng phát mật độ. Hạn chế bón đạm, điều tiết nước hợp lý.

Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, khoanh vùng rầy và bệnh; mật độ rầy trên 2.000 con/m2 cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đồng loạt và tập trung cả vùng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh VLLXL. Mở các lớp tập huấn cho nông dân với chuyên đề sâu về dịch bệnh để nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh.

BẠN NHÀ NÔNG