Nhà nông tìm hiểu

Phòng bệnh cá nuôi trong mùa mưa

Cập nhật, 05:30, Thứ Ba, 08/05/2018 (GMT+7)

Vào mùa mưa, thời tiết thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường dễ làm cho cá bị sốc. Khi đó, các tác nhân gây bệnh có điều kiện phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá.

Để giữ sức khỏe và phòng bệnh cho cá là tránh làm cho cá bị sốc bằng cách duy trì ổn định chất lượng môi trường nước qua việc cho ăn, chăm sóc đúng kỹ thuật. 

Một số biện pháp phòng bệnh cho cá nuôi trong mùa mưa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo như sau:

Đào rãnh rải vôi xung quanh ao với liều lượng 7- 10kg/100m2 để cho nước mưa ngắm xuống rãnh có vôi và không trôi trực tiếp từ trên bờ xuống ao mang theo phèn và các chất có hại cho cá. 

Hoặc đắp bờ xung quanh ao cho nước mưa không trôi xuống ao. Định kỳ 7- 10 ngày/lần, hòa vôi vào nước tạt đều xuống ao với liều lượng 1- 2 kg/100m3 nước (bỏ xác vôi lại). 

Khi mưa thường làm nước trong ao có pH thấp (phèn nhiều) nên có thể bổ sung thêm phân chuồng ủ hoai với 2% vôi (phân heo, gà,…), phân vô cơ (Ure, DAP, lân,…), phân xanh (lá so đũa,…) để tạo màu nước ao (màu xanh đọt chuối hoặc xanh vỏ đậu là nước tốt) khi đó pH cũng tăng, thường pH trong ao nuôi cá nước ngọt tốt nhất từ 6,5- 8,5.

Định kỳ khoảng 2 lần/tuần bổ sung vitamin C cho cá ăn để tăng sức đề kháng cho cá nuôi từ đó giảm được bệnh tật. 

Định kỳ dùng lá giác liều lượng 10-12kg/100m3 nước phòng bệnh cho cá, nhất là các bệnh do giáp xác ký sinh (rận cá, trùng mỏ neo,…) 

Cách làm: bó lá giác thành lọn ngâm trực tiếp xuống ao, khoảng 7- 10 ngày cho lá cây phân hủy hết. Trong quá trình nuôi, định kỳ dùng chế phẩm sinh học để xử lý nước, đáy ao và trộn vào thức ăn cho cá ăn.

Vào khoảng thời gian trời mưa to nên giảm hoặc ngưng cho ăn sẽ giúp hạn chế thức ăn dư thừa làm dơ môi trường nước và giảm chi phí thức ăn. Nên cung cấp đủ thức ăn theo nhu cầu phát triển của cá.

BẠN NHÀ NÔNG