Liên kết hợp tác xây dựng chuỗi giá trị lúa, gạo

Cập nhật, 10:29, Thứ Ba, 20/03/2018 (GMT+7)

Theo Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo giữa doanh nghiệp với HTX nông nghiệp ở vùng ĐBSCL không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu với số lượng và chất lượng ổn định, mà còn giúp nông dân giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư ban đầu, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt lúa, nâng cao thu nhập.

Thu hoạch lúa tại một HTX tham gia sản xuất vào cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Thạnh.
Thu hoạch lúa tại một HTX tham gia sản xuất vào cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Thạnh.

Năng động tìm đường phát triển

Ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ có tổng diện tích canh tác lúa khoảng 1.000ha, trong đó có gần 500ha được tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng gạo vào thị trường Mỹ để cung ứng cho các Công ty thành viên thuộc Vinafood 2.

Để có vùng sản xuất lúa, gạo an toàn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ đã nhận thuê đất của nông dân theo hình thức khoán với năng suất 7 tấn/ha/vụ, giá lúa thu mua cố định là 5.000 đồng/kg (tương đương 35 triệu đồng/ha/vụ).

Theo đó, HTX trực tiếp tổ chức sản xuất, ước tính với 35 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí sản xuất bình quân là 22 triệu đồng/ha/vụ, phần còn lại 13 triệu đồng/ha/vụ, HTX sẽ chi trả cho nông dân; bình quân, mỗi năm có 3 vụ sản xuất, nông dân sẽ thu lãi được 39 triệu đồng/ha mà không cần phải đầu tư sản xuất.

Theo ông Huỳnh Thanh Thấm, nhờ chủ động trong khâu tổ chức sản xuất, từ công đoạn cày xới, bơm nước, thu hoạch đến thu mua đều đảm bảo đúng các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn chất lượng cao - an toàn nên lúa của HTX được các công ty thành viên của Vinafood 2 thu mua cao hơn 10% so với giá lúa thị trường.

Theo Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2), thị trường thương mại ngày càng đòi hỏi gạo thơm, gạo đặc sản có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Do đó, Vinafood 2 đã thay đổi tư duy tiếp cận thị trường từ phương thức mua gạo sang mua lúa trong vùng nguyên liệu thông qua hình thức liên kết với HTX nông nghiệp.

Điển hình, Vinafood 2 liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ, ở tỉnh Đồng Tháp sản xuất lúa, gạo theo tiêu chuẩn chất lượng vào thị trường Mỹ với diện tích 410ha; hợp tác với HTX nông nghiệp Tân Đồng Tiến ở tỉnh Long An sản xuất lúa gạo vào thị trường Nhật với diện tích 100ha…

Năm qua, các công ty thành viên của Vinafood 2 đã liên kết với 41 HTX nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn với tổng điện tích hơn 9.958ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao - an toàn thực phẩm đạt hơn 1.995 ha.

 Cùng với việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cánh đồng lớn, Vinafood 2 đã chủ động thực hiện liên kết ngang với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín hỗ trợ vật tư đầu vào bình quân cho nông dân là 4-8 triệu đồng/ha.

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ hướng dẫn cho nông dân tham gia sản xuất ở các HTX nông nghiệp về quy trình sử dụng lúa giống, ứng dụng máy gieo hàng để tiết kiệm lượng giống sử dụng; kỹ thuật bón phân phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng yêu cầu…

Để tăng hiệu quả đầu tư trong liên kết sản xuất và tiêu thụ, Vinafood 2 triển khai chính sách ưu đãi trong thu mua lúa, cộng thêm từ 100-150 đồng/kg đối với lúa đạt chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường.

Với nhiều hình thức phối hợp trong liên kết hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, năm qua, Vinafood 2 đã xây dựng nguyên liệu sản xuất lúa, gạo theo tiêu chí chất lượng cao - an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với tổng diện tích 9.032ha tại vùng ĐBSCL.

 Gỡ "nút thắt" trong hợp tác

Ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lợi (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), cho biết: Vụ đông xuân 2017-2018, do biến động thị trường - giá lúa thương lái thu mua cao hơn vài trăm đồng/kg so với giá thu mua của doanh nghiệp nên nhiều nông dân đã bán lúa ra bên ngoài cho thương lái, làm ảnh hưởng đến sản lượng thu mua của doanh nghiệp.

Để tạo niềm tin gắn kết giữa nhà nông với HTX và doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp tham gia hợp tác cần có chính sách hỗ trợ đầu tư giống lúa xác nhận, phân thuốc… ngay từ đầu vụ để nông dân an tâm sản xuất theo hợp đồng đã cam kết với doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Muốn tháo gỡ "điểm nghẽn" trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo cũng như tránh tình trạng "bẻ kèo", doanh nghiệp cần phải chia sẻ khó khăn, hỗ trợ vật tư đầu vào, đặt cọc và chốt giá ngay từ đầu vụ sản xuất với nông dân. Điều này vừa giúp nông dân giảm áp lực đầu tư vốn sản xuất, vừa xây dựng được niềm tin trong liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu ra kể cả doanh nghiệp đầu vào và các HTX nông nghiệp tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao ở vùng ĐBSCL.

Hiện toàn vùng ĐBSCL có 450.000 ha đất canh tác lúa được tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Song thực trạng tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập, đa phần các HTX không có tài sản chung nên khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng;

nhận thức về hợp đồng liên kết ở nhiều nông hộ còn hạn chế, nông dân chưa muốn liên kết với doanh nghiệp vì sợ bị ràng buộc; dù có nhiều chính sách triển khai hỗ trợ cho HTX nông nghiệp và nông dân, nhưng HTX và nông dân vẫn khó tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho đầu tư sản xuất; tình trạng "bẻ kèo" giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp thường xuyên xảy ra…

Để tăng hiệu quả đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao ở vùng ĐBSCL theo hướng bền vững cần tăng cường giải pháp về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho HTX nông nghiệp; triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Muốn đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo an toàn, chất lượng cao ở ĐBSCL, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng cần phát huy vai trò hỗ trợ, xây dựng những hình thức tổ chức sản xuất mới, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Đồng thời, tích cực tháo gỡ những bất cập trong liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị…

Theo Báo Cần Thơ