Khởi sắc vùng nguyên liệu lúa an toàn sinh học

Cập nhật, 06:16, Thứ Ba, 06/03/2018 (GMT+7)

Xã Mỹ Lộc (Tam Bình) vừa sơ kết mô hình phát triển vùng lúa nguyên liệu 100% sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ. 

Mô hình cho năng suất 7,5 tấn/ha.
Mô hình cho năng suất 7,5 tấn/ha.

Mô hình do UBND xã Mỹ Lộc phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp cam sành organics Trà Ôn thực hiện trong vụ Đông Xuân 2017- 2018, hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao an toàn sinh học, mang lại lợi nhuận cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường.

Là Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc và cũng là người trực tiếp tham gia mô hình này, ông Nguyễn Văn Đượm cho biết: Mô hình được triển khai trên 2ha tại Ấp 10.

Mô hình được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) hỗ trợ 240kg giống lúa OM 5451. HTX Nông nghiệp cam sành organics Trà Ôn hỗ trợ 50% kinh phí phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất.

UBND xã Mỹ Lộc hỗ trợ 50% chi phí và công lao động. Kết quả thu hoạch lúa của mô hình với năng suất đạt khá cao 7,5 tấn/ha.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh- đánh giá mô hình có chi phí tương đối thấp, năng suất lại khá cao.

Điểm mới đáng lưu ý của mô hình là dùng cả phân bón sinh học và thuốc trừ sâu hữu cơ sẽ là điều kiện quan trọng để tạo ra sản phẩm an toàn.

Tuy nhiên, lượng giống gieo sạ 12kg/công tại mô hình là hơi nhiều. Do đó hướng tới cần giảm lượng giống gieo sạ bằng dụng cụ sạ hàng tỉa lỗ để giảm chi phí giống, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Văn Chiến- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc- cho biết: Sắp tới, bên cạnh việc mở rộng tuyên truyền để có sự đồng thuận của người dân thì mô hình cần có sự quan tâm của các đơn vị liên quan nhất là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Quan điểm của địa phương luôn ủng hộ và khuyến khích mở rộng mô hình vì việc sản xuất lúa chất lượng cao có bao tiêu sản phẩm đã được xã đưa vào nghị quyết và phù hợp chủ trương chung nhưng việc nhân rộng nhất thiết phải có hợp đồng với người dân cung cấp vật tư đầu vào, HTX phải cử cán bộ theo dõi mô hình.

Trước mắt, mô hình cần tiếp tục khảo nghiệm đánh giá hiệu quả về chi phí đầu vào, bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận, mức độ ủng hộ của người dân để có hướng nhân rộng, phù hợp trong tương lai.

Là đơn vị liên kết tiêu thụ lúa tại mô hình, ông Trần Văn Mây- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Long An- tỏ ra lạc quan khi mô hình có nhiều hiệu quả tích cực.

Ông Mây khẳng định việc người dân sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học tạo ra sản phẩm chất lượng tốt thì phía doanh nghiệp cũng có thuận lợi vì có thêm nguồn nguyên liệu sản phẩm an toàn.

Ông Mây cam đoan rằng lúa được sản xuất trong mô hình thì sẽ được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường, đảm bảo người dân có lợi nhuận khá từ mô hình này.

Tam Bình là huyện có mô hình trồng lúa hữu cơ đầu tiên của tỉnh. Bên cạnh mô hình kể trên thì từ vụ Hè Thu năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Ấp 9 đã được thực hiện đầu tiên, với 44,3ha/74 hộ.

Kể từ năm 2017, mô hình không sản xuất lúa vụ 3, chỉ sản xuất 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu và tính đến vụ Đông Xuân 2017- 2018 thì mô hình đã sản xuất được 5 vụ lúa.

Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh làm lúa theo quy trình sản xuất sạch không sử dụng phân, thuốc vô cơ và được bao tiêu sản phẩm.

Vụ Đông Xuân này, mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 43,35ha với năng suất lúa đạt khoảng 5 tấn/ha. Giống lúa được sử dụng là giống lúa thơm OM 9921.

Đây là vụ đầu tiên mô hình sử dụng giống lúa này theo hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu. Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 8.600 đ/kg và dự kiến thu hoạch ngày 19/2 âl (6/3).

Ở vụ Đông Xuân trước, mô hình lúa hữu cơ ở Ấp 9 sử dụng giống lúa thơm Jasmine 85, có giá bao tiêu 11.000 đ/kg. Thông qua hệ thống Sài Gòn Co.op, hiện thương hiệu gạo từ lúa hữu cơ xã Mỹ Lộc đã có mặt trên thị trường với giá bán 29.000 đ/kg.

Với những tín hiệu khả quan từ vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hy vọng trong tương lai sản phẩm lúa chất lượng tốt mang chỉ dẫn địa lý từ vùng đất thuần nông sẽ xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường.

Bài, ảnh: LÊ SƠN