Bình Tân và thế mạnh cây màu

Cập nhật, 07:27, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

Năm 2017, kinh tế huyện Bình Tân tiếp tục tăng trưởng khá toàn diện, trên nền tảng nông nghiệp giữ vai trò chủ lực.

Đó là nhờ việc thực hiện tốt Kế hoạch 73 của Huyện ủy, định hướng cho việc cơ cấu lại nông nghiệp theo quy hoạch phát triển cây màu, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung và phát triển các mô hình sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao.

Rẫy khoai Tân Trung (xã Tân Bình).
Rẫy khoai Tân Trung (xã Tân Bình).

Khắc phục những bất lợi

Đối với bà con chuyên canh màu của huyện Bình Tân, năm qua rõ ràng là không thuận lợi lắm, bởi thời tiết diễn biến thất thường khi lượng mưa nhiều, mưa lũ kết hợp triều cường dâng cao làm cho năng suất rau màu giảm sút.

Thêm vào đó, là việc sản xuất liên tục không nghỉ, không có thời gian phơi khô, làm sạch đất, giống thoái hóa, mầm bệnh lưu trong đất ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.

Để giảm quá trình bạc màu của đất, nhiều bà con đã bắt đầu nhận thức và thay đổi thói quen canh tác, bằng việc liên tục thay đổi giống cây trồng. Cụ thể ở vùng khoai xã Tân Hưng, bà con luân phiên 1 vụ lúa- 2 vụ màu, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Từ đó, nhiều bà con mạnh dạn thuê hàng chục công đất với giá tương đối cao để trồng màu. Trong khi đó, giá khoai liên tục tăng cao trong những tháng cuối năm, giúp cho nhiều rẫy khoai dứt dây xong, bà con vững bụng đầu tư lớn cho những rẫy dưa hấu tết.

Với kinh nghiệm mấy chục năm trồng dưa hấu tết, bà Ba Rí ở ấp Hưng Thuận cho biết: “Dưa hấu chưng tết đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật, nhưng nếu có kinh nghiệm thì không lo, mà sợ nhất có 2 thứ, đó là thời tiết và giá cả thôi”. Nếu thời tiết đẹp thì dưa trúng mà trái đẹp càng được giá.

Thông thường, nếu giá dưa được lái kêu tầm 20 triệu/công, thì bà con thu lời cả trăm triệu đồng/ha. Ở các ấp Hưng Thuận, Hưng Hòa, nhiều bà con có kinh nghiệm, thường dám thuê từ 1- 5ha trồng dưa hấu vụ tết.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Tân Đặng Văn Chính cho biết: “Để đón tết, Bình Tân đã xuống giống khoảng 3.000ha màu, trong đó có gần 400ha dưa hấu. Thực hiện chủ trương chuyển đổi rau màu, từ kết quả đạt được, bà con phấn khởi, quyết tâm cao, tích cực, hăng say lao động. “Những cánh đồng không ngủ” là hình ảnh quen thuộc của quê hương Bình Tân”.  

Niềm vui từ những vụ mùa đẹp

Chúng tôi về thăm Tân Quy những ngày vào mùa tết. Trên cánh đồng, bà con nhộn nhịp nói cười, tay thoăn thoắt thu hoạch đậu bắp, tưới hành, tưới khoai.

Cạnh đường đi, những người thợ xây ráo riết sơn phết, hoàn tất căn nhà khang trang cho bà con đón tết. Nhìn những rẫy màu đang “ngấp nghé tết”, chú Võ Văn Thôi (Út Thôi)- Bí thư, Trưởng ấp Tân Quy (xã Tân Bình)- có gần 30 năm trồng hành lá và khoai lang, cũng hồ hởi tâm tình, chia sẻ những niềm vui sau một năm nhìn lại.

Với 3,5 công đất, trong năm, chú luân phiên trồng 1 vụ khoai và 3 vụ hành, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Chỉ tay về phía những luống hành lá thẳng tắp, xanh mướt, chú cười rạng rỡ: “Nhờ nó mà tui nuôi 5 đứa con nên người, giờ ổn định cuộc sống hết rồi”.

 Nông dân Bình Tân phấn khởi làm đất chuẩn bị vụ mùa giáp tết.
Nông dân Bình Tân phấn khởi làm đất chuẩn bị vụ mùa giáp tết.

Chú kể, do trước đây cứng nhắc trồng mãi một loại màu nên “năm trúng, năm thất muốn bỏ cuộc”. Mấy năm trở lại đây, hễ có lớp tập huấn nào thì chú cũng tham gia.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trồng trọt, chú luân phiên chuyển đổi rau màu nên đạt năng suất cao. Điều phấn khởi nhất của bà con trong xóm là hệ thống thủy lợi và vận chuyển hàng hóa vô cùng thuận lợi khi con kinh Bờ Đai được đầu tư dài 1.700m nối ấp Tân Trung và Tân Quy.

Chào chú Út Thôi ra về, chúng tôi còn nghe bà con í ới hẹn nhau ngày mai “lai rai” ăn mừng năm 2017 trúng mùa, được giá.

Ấp Tân Trung bạt ngàn những ruộng khoai. Trên 2ha đất của anh Đặng Hoàng Minh, gần chục sinh viên Khoa Nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ đang loay hoay ghi chép, đo những dây khoai. Theo bạn Nguyễn Thái Ngân (sinh viên năm 3) thì các bạn đang nghiên cứu để làm luận văn ứng dụng giải pháp sinh học vào phòng trị bệnh héo rũ trên khoai lang tím Nhật.

Khoảng 15 năm nay, anh Minh chuyển hẳn từ trồng lúa sang trồng khoai vì theo anh “lợi nhuận gấp chục lần lúa, 1 công khoai lời khoảng 20- 25 triệu đồng”.

Từ một công đất cha mẹ cho khi ra riêng, vợ chồng anh trồng trọt, tích góp, đến nay anh đã làm chủ 1ha đất và thuê 1ha ngay cạnh để trồng khoai. Anh cho biết, 3- 4 năm nay khoai tím được giá cao, đời sống bà con dần cải thiện.

Chú Ba Dược, anh Chai, cô Phương Giang,… ai cũng phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Điều mọi người còn trăn trở là cần có một hợp tác xã ký kết hợp đồng với công ty thu mua để chủ động đầu ra cho nông sản, bà con cũng yên tâm hơn mở rộng diện tích trồng trọt. Anh Minh là người đầu tiên trong xóm ứng dụng giải pháp sinh học dùng nấm Trichoderma vào trồng khoai.

Anh nói biện pháp này tiết kiệm chi phí rất lớn và có đến 80- 90% giảm bệnh chết dây do héo rũ. Hướng tới trong tương lai, anh mong sẽ phổ biến đến mọi người để tạo ra nông sản an toàn và tiết kiệm chi phí.

Bên ruộng khoai xanh mướt, anh Minh khoe có cô con gái học ĐH Cần Thơ ngành công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hy vọng “con về cùng bà con mình phát triển đặc sản quê hương”. Những ruộng khoai ở ấp Tân Trung được thu hoạch vào khoảng rằm tháng Chạp, Tết Mậu Tuất thật sung túc với nụ cười tươi rói trên môi người nông dân vốn nhiều vất vả.

 Rẫy dưa hấu tết của ấp Hưng Thuận (xã Tân Hưng).
Rẫy dưa hấu tết của ấp Hưng Thuận (xã Tân Hưng).

Bí thư Huyện ủy Bình Tân Đặng Văn Chính khẳng định: “Kế thừa kết quả của năm 2017, trong năm mới, huyện tiếp tục thực hiện chủ trương rải giống, rải vụ vừa đảm bảo ổn định cho đầu ra của nông sản vừa điều tiết giải quyết vấn đề nhân công lao động, tạo thu nhập ổn định cho người dân, đảm bảo các mặt hàng hóa phục vụ cho nông nghiệp.

Với những lợi thế sẵn có, trong quá trình chuyển đổi cây màu, huyện khai thác gần hết các diện tích đất. Trong thời gian tới, cần chú trọng xả lũ để giải độc cho đất, nâng giá trị dinh dưỡng của đất để đảm bảo yêu cầu sinh trưởng tốt cho các loại cây trồng.

Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Tân đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2017, chọn xã Tân An Thạnh là điểm, xã Thành Trung làm diện, gắn cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Huyện đã chuyển đổi tốt cây giống, vật nuôi, tăng cường luân canh, rải vụ trong sản xuất khoai lang; kết quả phát triển được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 250- 300 triệu đồng/ha.


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY