Trồng màu trong nhà lưới ở TX Bình Minh

Hướng đi mới của nông nghiệp đô thị

Cập nhật, 17:13, Thứ Tư, 24/01/2018 (GMT+7)

 

Mô hình trồng rau màu trong nhà lưới của ông Trần Văn Sinh.
Mô hình trồng rau màu trong nhà lưới của ông Trần Văn Sinh.

TX Bình Minh đã triển khai mô hình trồng màu trong nhà lưới ở đô thị, với nhiều tín hiệu khả quan. Lợi nhuận cao hơn so trồng truyền thống và được nông dân đồng tình tham gia. Đây là mô hình nông nghiệp mới, phù hợp xu thế sản xuất hữu cơ, an toàn và hiệu quả.

Đến tham quan mô hình trồng màu trong nhà lưới hơn 1 công đất của ông Phan Phước Lộc (phường Thành Phước) khi ruộng đậu bắp vào cuối vụ. Ông Lộc phấn khởi, khoe: “Đậu bắp chưa hết vụ nhưng tôi đã bán được 16 triệu đồng. Nếu chi phí trồng bên ngoài tốn 6- 7 triệu thì trong nhà lưới chỉ tốn 2- 3 triệu đồng”.

Bởi theo ông Lộc, trồng màu trong nhà lưới tiết kiệm số lần phun thuốc trừ sâu rầy. Rầy xanh thường là đối tượng chính gây hại đậu bắp, tuy nhiên gần cả vụ qua ông chỉ cần phun xịt 1 lần thuốc ngừa loại sâu hại này.

Sở dĩ ông áp dụng mô hình này, do đầu năm 2017 được Phòng Kinh tế TX Bình Minh cho nông dân đi tham quan mô hình trồng màu trong nhà lưới tại một số nơi.

Sau đó, ông Lộc về bắt tay thực hiện trên 1 công đất rẫy của mình: xung quanh ông trồng cột cố định cao 2- 3m, dây chì, bao lưới và đặt đường ống nước phun sương tự động. So với sản xuất thông thường thì cách làm này hạn chế dịch hại bên ngoài tấn công, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh từ 4- 5 lần phun/vụ.

Tương tự, cách đó không xa, ông Trần Văn Sinh cũng trồng nhiều loại rau màu trong nhà lưới trên 1 công đất ruộng.

Hiện cải ngọt, rau muống trồng kỹ thuật này đã bán được 3- 4 lứa. Ông vui mừng cho biết, chỉ cần phun duy nhất 1 đợt thuốc trừ sâu, trong khi 1 công rau “trồng ngoài” gần đó đã phải phun 4- 5 đợt thuốc.

“Canh tác rau an toàn trong nhà lưới có thế mạnh vượt trội ở chỗ hạn chế được 70% thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón nhưng sản lượng rau thu hoạch không thua kém trồng truyền thống mà chất lượng lại đảm bảo”- ông Sinh cho biết thêm.

Lưới bao xung quanh nên hạn chế sâu bệnh từ ngoài tấn công vào, hạn chế đáng kể số lần phun xịt thuốc.
Lưới bao xung quanh nên hạn chế sâu bệnh từ ngoài tấn công vào, hạn chế đáng kể số lần phun xịt thuốc.

Theo Ths Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh, mô hình nhà lưới giá rẻ được cho là phù hợp hơn với người nông dân ĐBSCL, do chi phí đầu tư rẻ, dễ thi công, bảo quản.

Thời gian sử dụng nhà lưới trồng rau khoảng 10 năm, riêng phần lưới cước bao bọc bên ngoài từ 2- 3 năm thay một lần.

Ths Lê Văn Biên cho rằng, nhà lưới là một giải pháp kỹ thuật đã được phổ biến tại nhiều vùng trồng rau của nước ta, nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm rau thông qua việc giảm tác hại của côn trùng, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.

Đây cũng là hình thức sản xuất rau an toàn có kết quả đáng tin cậy nhất và có nhiều triển vọng, cho phép giảm được tối đa việc dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh.

Trong nhà lưới có thể áp dụng đồng bộ thêm các giải pháp kỹ thuật khác nên cây sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất tăng 20- 30% so với bên ngoài “Đây là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mới ở TX Bình Minh nhưng triển vọng rất lớn, có thể mở rộng ra nhiều địa phương khác.

Bởi cách làm này sẽ cho ra thị trường nông sản an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”- Ths Lê Văn Biên cho biết thêm.

Trong năm 2017, Phòng Kinh tế TX Bình Minh đã hỗ trợ 7 điểm trình diễn ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, quy mô 1.000 m2/điểm, tại xã Thuận An và phường Thành Phước. Ths Lê Văn Biên, cho biết trong năm 2018 dự kiến sẽ nhân rộng trồng màu trong nhà lưới thêm từ 7- 8 mô hình; tăng diện tích, sản lượng để tiến tới hỗ trợ nông dân kết nối doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm ra an toàn. “Trồng trong nhà lưới, hạn chế tối đa việc phun, xịt thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn nhưng hiện giá cả những loại rau màu này đồng giá với các loại ngoài thị trường, nên khó kêu gọi nông dân tham gia, rất cần hỗ trợ”- Ths Lê Văn Biên cho biết.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH