Xoài- cây trồng "tiềm năng" ở Vũng Liêm

Cập nhật, 07:44, Thứ Tư, 09/08/2017 (GMT+7)

 

Vùng xoài cát núm tiêu chuẩn VietGAP ở xã Quới An.
Vùng xoài cát núm tiêu chuẩn VietGAP ở xã Quới An.

Tham gia vào cơ cấu nông nghiệp cây- con hiện nay ở Vũng Liêm có con bò, cây có múi đặc sản bưởi da xanh, sầu riêng và xoài. Xoài được coi là loại trái cây “tiềm năng” và đang từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô tập trung.

Cây “tiềm năng” phụ thuộc đầu ra, thời tiết

Trồng khoảng 1,5ha xoài cát núm, ông Trần Văn Đằng- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát núm Quới An- cũng là một thành viên trong số 10 xã viên hiện đang canh tác 10ha xoài cát núm theo quy trình VietGAP.

Hợp tác xã này mới thành lập cách đây khoảng 2 tháng, nâng lên từ 2 tổ hợp tác trồng xoài cát núm ấp Hiệp Trường, Trường Định trong xã.

Theo cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Quới An, hiện toàn xã có khoảng 185ha xoài. Nông dân Lê Văn Điền ở ấp Phước Trường trồng gần 1ha xoài. Ông nói làm quy trình VietGAP yêu cầu kỹ thuật kỹ càng chặt chẽ hơn, sản lượng trái cũng vậy, nhưng chất lượng trái xoài nâng lên hẳn. Từ đó cơ hội cho giá cả đầu ra cao hơn.

Khi khép vào quy trình sản xuất nói trên, ông Nguyễn Quang Khiêm- Chủ tịch UBND xã Quới An- nhìn nhận triển vọng loại cây ăn trái này của địa phương là khá rõ nét.

Tuy nhiên theo ông, từ thực tế của xã viên và người dân trồng xoài nơi đây cho thấy điều đáng lo nhất- cả khách quan lẫn chủ quan- lại là: yếu tố thời tiết và đầu ra cho sản phẩm.

Theo cán bộ nông nghiệp xã, các năm trước xã thông qua các ngành chức năng có ký kết hợp đồng xuất xoài đi Hàn Quốc. Phụ thuộc vào vụ mùa và ảnh hưởng thời tiết, nay thì đầu ra này không còn như trước.

Gần đây cũng có người của VinEco, Lộc Trời đến tìm hiểu về vùng trái cây này, nhưng vẫn chưa “chốt” được chuyện hợp tác, mà nguyên nhân đến từ vụ mùa, sản lượng, giá cả. Theo cán bộ nông nghiệp, giá xoài tốt hiện gần 50.000 đ/kg, nhưng không có mà bán.

Ông Trần Văn Đằng cho biết, ngoài phần diện tích đang làm bông, một số lớn diện tích đang trái bằng “ngón chân cái”, cỡ “cổ tay” và từ tháng 7 âl tới sẽ cho thu hoạch dài tới tháng 11 âl năm nay.

“Quan trọng nhất là tránh ảnh hưởng của thời tiết và áp dụng sản xuất rải vụ, trái xoài có đều cho bà con thì mới “rộng” đường ra”- ông Trần Văn Đằng nói về mong mỏi và hướng sản xuất lâu dài khi lập hợp tác xã và canh tác theo quy trình sạch, đẹp.

Mong ổn định khi canh tác đi vào khuôn khổ

Ông Trần Văn Đằng cho biết ngày 9/8 sẽ tham gia theo đoàn của Sở Công thương tỉnh đi tìm hiểu, xúc tiến thương mại ở TP Đà Nẵng.

Dù chỉ mới thành lập, nhưng về lâu dài hợp tác xã sẽ tìm kiếm đầu ra, mở rộng thành viên, nâng sản lượng và chất lượng trái xoài, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. “Chỉ khi tìm được đầu ra ổn định, làm được rải vụ, khi đó giá cả sẽ bền vững trong năm thì bà con mình mới được nhờ nhiều”- ông nói thêm.

Làm ăn tập thể, người dân đã có hướng sản xuất rải vụ và mong có thị trường tiêu thụ ổn định để nâng giá trị cây trái tiềm năng này.
Làm ăn tập thể, người dân đã có hướng sản xuất rải vụ và mong có thị trường tiêu thụ ổn định để nâng giá trị cây trái tiềm năng này.

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cho biết, đến nay toàn huyện có 9.656ha vườn, trong đó nhiều vùng trồng các loại cây ăn trái chủ lực. Riêng xoài (cát núm, cát chu) là trái cây “tiềm năng” với tổng diện tích các loại hơn 1.000ha, tập trung nhiều ở các xã Quới Thiện, Quới An, Trung Chánh, Tân Quới Trung,...

UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo theo dõi các mô hình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp: cánh đồng lớn sản xuất lúa, bưởi da xanh, xoài xiêm núm, dự án chăn nuôi bò. Trong đó kết hợp các ngành chức năng tỉnh thực hiện 137ha với 34.250 cây bưởi da xanh và 60ha xoài theo hướng VietGAP.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), trong các vùng nguyên liệu thuộc Dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015- 2020”, thì trong đó vùng nguyên liệu đạt tiêu chí cánh đồng lớn là vùng nguyên liệu xoài cát núm gần 50ha và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Sau đó vùng trồng xoài cát chu, cát núm hơn 40ha ở xã Quới Thiện cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn này.

Bà Lê Thị Thanh Vân chia sẻ thêm về các hợp tác xã nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế thị trường.

Và qua hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sản phẩm nông nghiệp làm ra có triển vọng đầu ra tốt hơn. Không riêng cây trái tiềm năng nói trên, người dân các nơi này kỳ vọng khi làm ăn, sản xuất theo quy trình, thì đầu ra và giá cả sẽ ổn định hơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Vũng Liêm, đầu năm đến nay, đã thành lập thêm 4 hợp tác xã nông nghiệp: Nông Lợi (xã Trung An), xoài cát núm Quới An (xã Quới An), cây lác Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông), cam sành Hiếu Xuân Tây (xã Hiếu Nghĩa). Trừ 3 hợp tác xã đã ngưng hoạt động, tổng cộng huyện có 32 hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, hoạt động khá hiệu quả, 264 tổ hợp tác các lĩnh vực tương tự và 4 làng nghề.

Bài, ảnh: MINH THÁI