Trồng lan cắt cành… phập phồng vì thời tiết

Cập nhật, 14:15, Thứ Tư, 16/08/2017 (GMT+7)

Mô hình trồng lan cắt cành của Hội LHPN xã Tân Long (Mang Thít) được triển khai thực hiện 5 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, phần nào giúp cho đời sống nhiều gia đình ngày càng ổn định.

Tuy nhiên thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết nên cây lan sinh trưởng và phát triển “không như xưa” khiến người trồng thấp thỏm…

Mô hình trồng lan đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em.
Mô hình trồng lan đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em.

Cung không đủ cầu

Sau khi nhận được số lan dendro tím trắng do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ, cùng với việc vận dụng tốt những kiến thức học được từ lớp tập huấn trước đó, các chị em trong Hội LHPN xã Tân Long (Mang Thít) nhanh chóng thu hoạch được thành quả.

Đồng thời, nhờ có được sự hỗ trợ đầu ra ổn định từ Đoàn thanh niên xã nên các chị em tham gia mô hình này đã mạnh đầu tư thêm một số giò lan, nâng tổng giò hiện tại lên hơn 2.000 giò.  

“Tới ngày thì mình vô nhà mấy chị, rồi cắt, chở lan đi giao cho mấy tiệm hoa tươi, tiệm trang điểm cô dâu ở Vĩnh Long, cũng có khi mấy tiệm ngoài chợ xã trực tiếp vô mua luôn. Có nhiêu người ta lấy hết nhiêu, giá cả theo thị trường.

Nhiều lúc lan không đủ để bán luôn đó”- anh Nguyễn Hoàng Mỹ- Bí thư xã đoàn Tân Long phấn khởi chia sẻ.

Hiện, giá bán của mỗi bông dao động từ 700- 1.000 đ/bông. Lượng hoa ổn định, có đầu ra hẳn hoi nên các chị em tham gia mô hình cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn 1 triệu/tháng.

Chị Nguyễn Thị Loan (ấp Ngã Ngay) trồng 200 giò lan trước sân nhà, bộc bạch với chúng tôi: “Trồng lan thì phải chăm lo như con cưng vậy mới được. Mới cắt bán đây nên giờ bông còn lại hơi ít, chừng hơn một tuần là cắt 1 lần”.

Công việc đồng án, trồng nấm rơm chăm lo cho gia đình dường như chiếm hết thời gian, song chị Loan vẫn tranh thủ để chăm “con cưng” vì đối với chị trồng lan không chỉ tạo thêm thu nhập chu gia đình mà còn là niềm vui. Để tiết kiệm thời gian cũng như công tưới tiêu chị Loan đầu tư hẳn hệ thống tưới tự động.

“Mần mệt mà nhìn thấy hoa là vui lắm. Ngày bật tưới nước 2 lần, rảnh thì nhổ cỏ, bón phân thuốc. Ráng chăm sóc, có bông là bán được hết, bán dễ ợt à.

Mỗi lần cắt được vài trăm bông”- chị Loan cười hiền lành cho chúng tôi biết. Không những vậy chị Loan còn khoe: “Hôm trước tiệm áo cưới ngoài chợ đặt mà không có bán, tiếc hùi hụi à”.

Cách đó hơn 5 cây số, con đường vào nhà cô Nguyễn Thị Mai (ấp Thân Bình) có phần khó đi, căn nhà nằm giữa cánh đồng lúa gió thổi mát lộng.

Khoảng sân nhỏ trước nhà là thế giới của các loại mai kiểng cùng một số loại rau củ quả khác. Hỏi thăm vườn lan, cô Mai thỏ thẻ: “Lan cô che trại trồng bên hông nhà nè.

Cô cưng dữ lắm, ngày nào cũng ra thăm hai, ba lần”. Hiện nhà cô Mai đang có khoảng 1.200 chậu lan, “thời tiết mà thuận lợi, vô vụ rộ là cắt cả ngàn bông, lo được tiền chợ, tiền điện, nước ngon lành”.

Phập phồng vì thời tiết

Hiện nay thời tiết diễn biến thất thường cây lan “xuống sức”, bông ít gây lo lắng cho người trồng.
Hiện nay thời tiết diễn biến thất thường cây lan “xuống sức”, bông ít gây lo lắng cho người trồng.

Từ đầu năm đến nay thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều đã gây ra một số bệnh hại trên lan khiến các chị em hết sức lo lắng.

Nhìn hơn 1.000 chậu lan đang “xuống sức”, bông ra ít, cô Mai lo lắng: “Gần đây mưa dữ quá, thấy lá nổi đốm hết trơn. Tui lo quá chừng, đi mua thuốc về xịt, hôm nay đỡ hơn rồi, nhưng cây cũng còn ốm nhách chưa như trước được”.

Theo cô Mai nếu như trước chỉ một tuần cô cắt khoảng vài trăm nhánh lan thì hiện tại số lượng đã giảm đáng kể, chất lượng bông cũng kém hơn trước.

“Hồi trước 1 nhánh lan là cả chục bông, giờ còn chừng 5,6 bông. Tui đang o lại nhưng thời tiết giờ khó quá”- cô Mai buồn rầu cho biết thêm.

Chị Loan cũng cho biết thêm: “Nghề trồng lan phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, ra thăm chừng hoài chứ bỏ đâu có được.

Mưa nhiều là nó dễ bệnh lắm, bởi vậy nếu được cũng mong có thể được học thêm về kỹ thuật chăm sóc khi lan bệnh, cách thức xử lý phân thuốc cho cây nhanh lại sức, ra hoa. Chứ hoa giờ giảm dữ lắm luôn rồi đó. Người ta mua mà có đủ bán đâu”.

Hiện tại, đa phần số lan nói trên đã được hỗ trợ 5 năm, nên việc “xuống sức”, dễ nhiễm bệnh, sản lượng hoa giảm là việc khó tránh khỏi.

Chính vì vậy, “Hội Phụ nữ tỉnh mà hỗ trợ tiếp để tụi tui có giống mới trồng thì mừng dữ lắm. Chứ cây con giờ mắc quá, vốn nặng đầu tư không nổi”- cô Mai bày tỏ.

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Phạm Thị Cẩm Hường- Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Long cho hay, dù thời tiết đã ảnh hưởng đến cây lan, song với hiệu quả mà mô hình mang lại trong 5 năm qua, “thì ai cũng lấy làm phấn khởi”.

“Hiện có rất nhiều chị em khác trong hội cũng muốn tham gia mô hình. Tuy nhiên, để đầu tư giống thì rất nặng vốn.

Phía Hội phụ nữ xã cũng như các chị em rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cây giống cũng hướng dẫn kỹ thuật, ứng phó với dịch bệnh trên lan từ Hội LHPN tỉnh để có thể mở rộng mô hình”- chị Hường bộc bạch.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TUYẾT NHI