Phát triển kinh tế tập thể- đưa nông dân vào sản xuất lớn

Kỳ cuối: Làm giàu trong liên kết Evergrowth

Cập nhật, 05:17, Thứ Năm, 31/08/2017 (GMT+7)

Evergrowth- tiếng Anh có nghĩa là không ngừng phát triển, mới nghe có người thắc mắc hợp tác xã (HTX) lấy tên chi… khó hiểu. Nhưng tìm hiểu về quá trình hoạt động của HTX nông nghiệp Evergrowth (xã Tài Văn, huyện Trần Đề- Sóc Trăng) chúng tôi thấy… cũng dễ hiểu.

Bởi với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ, sự tăng trưởng của HTX cũng đồng thời với việc không ngừng tăng số lượng thành viên, tăng sản lượng sữa và địa bàn mở rộng; Evergrowth đã thật sự mở cho người dân nghèo miền biển Sóc Trăng một hướng đi đúng để làm giàu.

Kinh tế gia đình anh Khương ổn định nhờ chăn nuôi bò sữa hiệu quả.
Kinh tế gia đình anh Khương ổn định nhờ chăn nuôi bò sữa hiệu quả.

2.222 thành viên trong một chuỗi liên kết

Số liệu mới nhất được anh Phan Minh Hoàng- Trưởng Phòng Kỹ thuật HTX, thống kê cho chúng tôi: HTX hiện có 2.222 hộ nuôi khoảng 6.100 con bò sữa, sản lượng 22 tấn sữa/ngày. Evergrowth là mô hình HTX theo dự án hỗ trợ của Canada, thành lập từ năm 2004 với gần 200 xã viên.

Từ “xuất phát điểm” ở các xã Tài Văn, Viên An, Thạnh Thới A, địa bàn thành viên của HTX đã “lấn ra” Thành Thới Thuận, Liêu Tú, Viên Bình (huyện Trần Đề), “nở nồi” ra các xã huyện Mỹ Tú, Châu Thành, TP Sóc Trăng…

Anh Hoàng cho biết, hộ chăn nuôi 1 con bò hay vài chục con đều được tham gia HTX, nhưng “có điều kiện”: phải tham gia tổ, nhóm tại địa phương, được sinh hoạt quy chế HTX…

Trước khi trở thành thành viên HTX phải ký thỏa ước hợp đồng cung cấp sữa tươi, tuân thủ các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tham gia HTX thành viên được cung cấp bò giống, tập huấn kỹ thuật, đội ngũ kỹ thuật tư vấn hỗ trợ trong suốt quá trình nuôi.

Kèm theo đó là những chế tài, không tham gia họp định kỳ 3 lần sẽ bị loại khỏi HTX, đặc biệt “những con bò đang điều trị bằng kháng sinh không được bán sữa” và rất chú trọng độ sạch- dơ của sữa, khi mẫu sữa bị phát hiện sẽ bị trừ tiền rất nặng.

Theo anh Hoàng, “chất lượng sữa đạt tốt lắm”, vì vào HTX bà con đã tham gia chuỗi sản xuất với quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng chặt chẽ. Hộ nuôi bò còn phải có đường xe tới nhà, có điện, nước sạch… đảm bảo chất lượng sữa và thời gian vận chuyển. Để toàn bộ sản lượng sữa được bao tiêu, từng quy trình sản xuất không được sơ suất.

Tại bảng thông tin của HTX, có cả danh sách dài ghi rất rõ tên những chủ nuôi, mã số con bò “mắc lỗi” mà kỹ thuật viên đề nghị khắc phục như: cần bổ sung đá liếm, cần đổi khăn lọc sữa, vệ sinh máy vắt sữa kỹ hơn, làm giàn phơi dụng cụ vắt sữa…

Còn có “đơn xin lỗi” của một thành viên “năn nỉ” được ở lại HTX. “Những quy định, chế tài HTX không áp đặt mà đều thông qua xã viên đồng ý rồi mới áp dụng, nên bà con tuân thủ rất nghiêm”- anh Hoàng nói.

Và khi góp một triệu đồng/hộ tham gia HTX, thành viên sẽ được cung cấp các dịch vụ “trừ dần qua tiền sữa” như mua thức ăn, máy vắt sữa, thuốc thú y… tương xứng với sản lượng sữa.

Ngoài việc bán sữa với giá ổn định, xã viên còn được tích luỹ thặng dư, cuối năm được chia tiền lời theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ, sản lượng sữa cung cấp cho HTX. Mà theo anh Hoàng, tính đến thời điểm này, thành viên được chia lời cao nhất trên 100 triệu đồng.

Quy định khắt khe, nhưng anh Thạch Ngọc Khương ở ấp An Hòa bảo: “Từ khi vào HTX, tui và bà con thấy rất được. Tháng nào xã viên cũng họp đầy đủ”. Nói là họp nhưng đây là buổi trao đổi, bà con phản ánh những cái được và chưa được, HTX ghi nhận, phản hồi ngay.

Bên cạnh, còn có các buổi tập huấn theo chủ đề: trồng cỏ, làm chuồng trại, kỹ thuật vắt sữa, bệnh thường gặp... Nhờ vậy, “tụi tui có kiến thức, kinh nghiệm hơn”- vợ anh Khương là chị Thạch Kim Chi đang tắm cho đàn bò cũng phấn khởi “khoe”: “Từ 2 con bò, giờ đã tăng đàn 17 con.

Nay 6 con đang cho sữa, mỗi ngày chừng 80 lít, tính ra thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng”- chị nói tiếp- “Hồi trước mần lúa vừa cực mà thu nhập bấp bênh”, giờ có thêm nuôi bò kinh tế gia đình rất ổn định.

Anh Khương không còn “chạy đồng” cắt lúa mướn, mà chú tâm tăng gia sản xuất và trồng thêm 6 công cỏ chủ động thức ăn cho đàn bò.

Mô hình giảm nghèo bền vững

Tương tự, gia đình chú Thạch Sol (ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới A, huyện Trần Đề) chật vật lo cho 6 miệng ăn với thu nhập bấp bênh từ cây lúa, nhờ chăn nuôi bò sữa đã khấm khá hơn.

Khoe với chúng tôi đồng cỏ xanh mướt, chú Sol vui vẻ: “Tui trồng cỏ tùm lum hết, dọc bờ xáng, sau hè đủ cho bò ăn quanh năm.

Tui nuôi bò từ năm 2009 chỉ có 1 con, từ từ bò đẻ rồi nuôi lên giờ đã được 6 con. Mới vắt sữa một con mà nửa tháng tui có 1,5 triệu đồng rồi, mai mốt thêm 2 con cho sữa, tui dư bộn à”.

Thu nhập kinh tế gia đình ngày càng ổn định, chú Sol vui mừng ra mặt: “Nuôi bò khỏe lắm, bán sữa cho HTX. Có gì không hiểu hay bò bị làm sao chỉ cần “alo” là kỹ thuật viên có mặt liền”.

Theo ông Nguyễn Văn Mau- Phó Chủ tịch UBND xã Tài Văn, nuôi bò sữa liên kết trong HTX Evergrowth đóng góp xóa đói giảm nghèo rất lớn và địa phương coi đây là mô hình xóa nghèo bền vững.

Hầu hết thành viên HTX là đồng bào Khmer nghèo, đây là điều kiện giúp bà con ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.

Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, HTX bao tiêu sản phẩm cung ứng cho các công ty sữa, nên bà con rất yên tâm sản xuất và tăng đàn.

“Chúng tôi đánh giá trên địa bàn xã Tài Văn điều kiện sống bà con tham gia HTX nuôi bò sữa nâng lên rõ rệt. Thực tế, mỗi hộ nuôi 2-3 con bò đều có thể thoát nghèo bền vững”- theo tính toán của ông Nguyễn Văn Mau, nếu 1 con bò cho sữa mức thấp nhất 10kg/ngày, bán 10.700 đ/kg, thì nông dân đã có thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Còn làm 1 công lúa 2 vụ/năm lợi nhuận chỉ hơn 2 triệu đồng.

Theo thống kê của HTX Evergrowth, hơn 90% thành viên HTX là người dân tộc Khmer và hầu như “không ai có sổ hộ nghèo”- anh Hoàng cho biết.

Bình quân mỗi hộ thành viên có 3 con bò, hộ nhiều nhất 86 con. Nhờ liên kết trong HTX, bà con tận dụng nguồn cỏ ngoài ruộng đồng, lấy công làm lời với sự hỗ trợ kỹ thuật bài bản đã giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên khá, giàu.

Để HTX phát triển bền vững và nông dân có lời nhiều hơn, thời gian tới, HTX sẽ triển khai ứng dụng khẩu phần ăn hoàn chỉnh cho bò theo TMR, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sữa.

Hiện nay trung bình một con bò sữa cho khoảng 13kg sữa/ngày/chu kỳ 10 tháng, nếu theo TMR sẽ tăng từ 16 kg sữa/ngày. Chất lượng đàn bò nâng lên, thu nhập của người nông dân sẽ được tăng lên rất nhiều.

Thành lập chi bộ Đảng trong HTX

Anh Trần Hoàng An- Giám đốc HTX Evergrowth- cho biết: HTX quản lý rất chặt chất lượng của sản phẩm, luôn quan tâm các hộ xã viên nuôi bò cho tốt để chất lượng sữa tươi của mình luôn đạt chất lượng cao. HTX đã không ngừng đổi mới vươn lên, kết hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành trong tỉnh mở rộng địa bàn, vùng nuôi tạo điều kiện cho nông dân tham gia nuôi bò sữa, giúp thành viên cải tiến kỹ thuật đạt hiệu quả cao… Đặc biệt, vừa qua, việc thành lập chi bộ Đảng trong HTX cũng đã giúp HTX có hướng đi đúng đắn, vững vàng hơn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY