Để những mùa cam sành ngọt trên đất lúa

Cập nhật, 07:32, Thứ Tư, 09/08/2017 (GMT+7)

Đưa cam sành xuống ruộng thu về tiền tỷ trong thời gian ngắn. Đó là lý do trên 2.000ha cam sành được trồng trên đất ruộng trong tổng số gần 9.000ha cam sành cả tỉnh. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã có thêm 862ha cam sành được trồng mới.

Cam sành thật sự đang có sức hấp dẫn lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, với việc lạm dụng phân thuốc kích thích tăng trưởng, nhiều nhà vườn đang “bào chế” ra những quả cam sành mang tên “mã dại”.

Kỳ 1: “Mã dại” hại cam sành

Trồng dày với mong muốn thu hoạch nhanh, nhiều nhà vườn trồng cam sành lạm dụng phân thuốc kích thích tăng trưởng để “nuôi cây, nuôi trái” khiến cam sành lên “mã dại”, chất lượng cam không đảm bảo, khó bảo quản, dễ hư hỏng.

Một mùa cam chua vì “mã dại” khiến giá cam chạm đáy. Buồn cho giá cam và buồn hơn nữa là thương hiệu cam sành Vĩnh Long rung rinh vì “mã dại”.

Cam sành thường bị “mã dại” ở vụ cho trái đầu tiên.
Cam sành thường bị “mã dại” ở vụ cho trái đầu tiên.

 “Mã dại” là gì?

“Mã dại” là từ mà người trồng cam, cánh thương lái thường truyền tai nhau thời gian gần đây. Theo giải thích của một thương lái: “mã” là mẫu mã bên ngoài đẹp, còn “dại” là trái bị chín dại- “chín bề ngoài chứ bên trong chưa chín”.

Vì sao có tình trạng này, theo anh Đặng Hữu Vân- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cam sành Khánh Nhân (Tam Bình), nếu trước đây cam được trồng 2m/cây, 2 năm mới làm bông cho trái, mỗi cây thường cho 10- 15kg trái thì hiện nay trồng 1,2m/cây, 12 tháng là nhà vườn đã xử lý ra hoa, cho trái và mỗi cây có thể cho 30kg trái.

“Trồng dày, diện tích đất không đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, trái nhiều, cây lại nhỏ nên mỗi tuần phải đổ phân hóa học để nuôi trái dẫn đến tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học nên cam sành bị mã dại”- anh Vân giải thích và cho biết thêm, thay vì từ lúc có bông đến thu hoạch mất 9 tháng thì nhiều nhà vườn trồng cam hám lợi nên 8 tháng là bẻ để nhẹ cây và “ăn” tiếp năm sau.

Việc lạm dụng phân thuốc khiến bề ngoài trái vàng đẹp nhưng chất lượng bên trong không đảm bảo vì “cam chưa đủ tuổi và bảo quản không được lâu”.

Tại HTX cam sành này, hàng chục công nhân đang hì hục đóng thùng chở cam tiêu thụ. Để rõ hơn cam bị “mã dại” là thế nào, anh Vân lấy trong thùng ra một trái cam khá bóng đẹp, anh dùng tay quẹt nhẹ lên trái, lập tức chỗ quẹt ứa nước ra. Anh Vân giải thích- “đó là mã dại”.

Do sử dụng phân thuốc kích thích tăng trưởng quá mức nên vỏ trái mỏng, rất khó bảo quản cam được lâu. Và khi bị tình trạng này, cam bỏ qua đêm thì ruột teo lại, bọng vỏ, rất dễ bị giập the và nhanh chóng hư thối.

Anh Vân cho biết, vụ này anh “đau đầu” vì cam bị “mã dại”. Thị trường tiêu thụ cam của HTX chủ yếu là Đà Nẵng và Hà Nội, mỗi ngày 10- 15 tấn; trung bình 3- 4 ngày tới nơi, cam vẫn ngon lành.

Tuy nhiên, vụ này HTX “dính” lô cam bị “mã dại”, khoảng 30- 40 tấn khi hàng ra tới Hà Nội thì cam có dấu hiệu hư hỏng. “Tôi phải điện thoại cho bạn hàng quen ngoài đó nhờ họ lựa ra xem trái nào không hư thì lựa lại bán dùm, chấp nhận lỗ chứ chở về chắc cam hư hết mà lỗ chi phí còn nặng hơn”- anh Vân nói.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Trung- Giám đốc HTX Cam sành Thanh Trúc (xã Thới Hòa- Trà Ôn) cho biết, mặc dù cam ở đây được tuyển lựa từ vườn trước khi đóng thùng qua rất nhiều khâu và “có đội ngũ chuyên làm việc này” nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng cam bị “mã dại”, tỷ lệ hao hụt mỗi chuyến hàng từ 5- 10%.

Theo cánh thương lái, hồi đầu tháng 4 năm nay, cam sành đã xuất hiện tình trạng này và năm nay tỷ lệ tăng đáng kể.

“Mã dại” thường rơi vào những vườn cam thu hoạch trái chiếng, do người trồng thúc phân thuốc để cây nhanh cho trái, sớm thu hồi vốn.

Và theo dự báo, “mã dại” sẽ chưa dừng lại khi khảo sát nhiều nơi người dân vẫn hăm hở lên liếp trồng cam. Điều này đồng nghĩa khả năng dội chợ rất cao, kéo theo giá cam sành sẽ còn giảm mạnh.

Lo cho thương hiệu cam sành

Nhiều người trồng cam than vãn “chưa năm nào giá cam tệ như năm nay”. Thời điểm chính vụ giá cam “xuống đáy” chỉ 12.000- 13.000 đ/kg, giảm hơn phân nửa so năm ngoái.

Theo nhận định của một số thương lái, thị trường cam sành trong nước cung nhiều hơn cầu mà năm nay nguồn cung nhiều hơn gấp 2 lần năm trước. Dự báo trong năm tới thì nguồn cung nhiều thêm vì diện tích trồng mới sẽ cho trái.

Dọc theo đường đá nhỏ về xã Bình Ninh (Tam Bình), chúng tôi đã chạm mặt những vườn cam bạt ngàn.

Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Sơn chỉ chúng tôi xem những ruộng lúa trước đây xung quanh trụ sở UBND xã nhưng “giờ lên trồng cam gần hết”. Hiện toàn xã có trên 215ha cam sành, chiếm 26,6% diện tích trồng cây ăn trái của xã. Trong đó, cam sành xuống ruộng gần 71ha.

Không chỉ dân địa phương mà nhiều người xứ khác cũng đến thuê mướn đất ruộng trồng cam với khoảng 8,5ha.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn, toàn huyện hiện có 3.605ha cam sành. Trong đó, diện tích cam sành trên đất lúa là 2.369ha, chiếm 66% diện tích cam sành toàn huyện và còn tiếp tục tăng.

Anh Liêu Minh Đức (ngụ ấp Mỹ An, xã Bình Ninh- Tam Bình) có hơn 7 công cam giai đoạn thu hoạch khẳng định, nếu là người bình thường thì nhìn cam “mã dại”- cho là đẹp nhưng lái cam lại sợ.

Giá cam sụt vì nhiều nơi lạm dụng phân thuốc kích thích tăng trưởng làm ảnh hưởng chung. Vì thương lái mua cam nhiều nơi, trộn lẫn với nhau, nếu lô hàng bị hư thì tiếng xấu ảnh hưởng chung.

Anh Đặng Hữu Vân cho biết thêm, “bị nhiều lần nên có kinh nghiệm vào vườn coi cam rất kỹ trước khi mua”.

Tuy vậy, lượng cam ở Tam Bình không đủ cung nên dù biết cam “mã dại” chất lượng không đảm bảo, nhưng “không mua thì không biết phải lấy nguồn ở đâu mà giao”.

Do đó, để đảm bảo chất lượng cam, anh Vân cho biết đã nhiều lần cùng cán bộ xuống tận vườn trồng khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phân thuốc, để bán được giá hơn.

 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh Nguyễn Văn Sơn, do cam có hiệu quả kinh tế cao nên chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến loại cây trồng này. Tuy nhiên, đáng lo là gần đây người dân trồng cam không theo hướng dẫn nhà khoa học, trồng dày, nhất là lạm dụng phân thuốc kích thích tăng trưởng làm cho chất lượng cam không ổn định, khó bảo quản. Vụ này, cam rớt giá mạnh khiến nhiều người đã lên liếp rồi nhưng còn lưỡng lự chưa xuống giống cam vì lo ngại giá cam sẽ còn xuống thấp.

 

 

>> Kỳ cuối: Trồng “cam rau”- hệ lụy luôn tiềm ẩn

Bài, ảnh: NHÓM PV