Chuyện đời ông Tám Liếp- "tình cây và đất"

Cập nhật, 07:56, Thứ Năm, 10/08/2017 (GMT+7)

 

Ông Tám Liếp với tình yêu cây nhãn.
Ông Tám Liếp với tình yêu cây nhãn.

Sau khi những “cơn bão” chổi rồng quét sạch hàng ngàn hecta vườn ở “vương quốc nhãn” của Vĩnh Long thì ở ấp Vàm Lịch (xã Chánh An- Mang Thít), những vườn nhãn Ido (Edor) dọc bờ sông Cổ Chiên vẫn xanh mịt, một cây nhãn tơ vẫn có thể cho hàng tấn trái. Có ai biết, cây nhãn Ido đã bén rễ trên đất này từ cái thời nông dân chỉ biết “trồng lúa tập đoàn”.

“Đầu dây, mối nhợ” từ ông Tám Liếp (Nguyễn Văn Phúc- 63 tuổi), cả “một đời nông dân” của mình ông dành trọn vẹn “tình yêu” cho cây nhãn Ido.

Sau những thăng trầm cùng những thất bại “lên bờ, xuống ruộng”, ông lại muốn san sẻ những kiến thức, những trải nghiệm xương máu của mình cho tất cả bà con nông dân trên khắp cả nước, để có thể làm giàu cùng cây nhãn Ido ngay trên những liếp vườn nhà mình.

Cây không phụ lòng người

“Đời chú khổ lắm mấy cháu ơi! Hồi xưa làm gì có đất, cha mẹ làm tá điền cho người ta, mà làm lúa mùa trúng “sập giàn” thì cũng 10 giạ/công, cuối mùa đong cho chủ đất hết 3 giạ rồi”- chú Tám Liếp bắt đầu bằng câu chuyện buồn, mà nụ cười thật sảng khoái, nhẹ tênh.

Trong suốt câu chuyện, vẫn nụ cười ấy thường trực và ánh mắt lạc quan ngay cả những “khúc quanh cuộc đời” thiếu điều trắng tay, sạt nghiệp.

Như cái đận mà cây nhãn Ido đến lúc “biết nghe lời” cho trái oằn sai, còn 1 ngày nữa là lái qua hái trái, chồng tiền 1,2 tỷ đồng, thì đúng ngày 23/12/2006 cơn bão số 6 đổ bộ vào Bến Tre, rồi dạt ngọn qua ấp Vàm Lịch này.

Cả vườn nhãn rạp ngọn y như lúa sập. Vườn nhãn 1,2 tỷ đồng “hốt” còn được... 80 triệu đồng tiền cọc. Đời nông dân thiệt là đắng chát! Nợ ngân hàng trên 200 triệu đồng, mà không được khoanh nợ, đứng thẫn thờ giữa vườn nhãn hoang tàn trái chín nằm như vãi trấu, Tám Liếp ngửa mặt lên trời than: “Đời mình vậy là tiêu rồi!”

Hơn chục năm dành ra bao nhiêu công sức, mày mò thử nghiệm với biết bao thất bại muốn... nản luôn, nhưng cuối cùng đất không phụ lòng người, cây cũng đơm hoa kết trái, thị trường đang rất “ăn” trái nhãn Ido, thành công trước mắt như “cơm dọn lên mâm”, hổng lẽ... ông trời lại phụ người?

Tám Liếp quay sang nói với 2 người phụ vườn: “Tao bây giờ trắng tay rồi, hổng còn tiền trả công cho mấy đứa đâu”. “Chú cứ làm đi, tụi con dọn vườn tiếp chú, khỏi lấy tiền công”- câu nói của người làm vườn nghe thương đứt ruột.

“Nói vậy thôi, chứ đâu để vợ con tụi nó đói khổ với mình được”- ông Tám Liếp tiếp tục câu chuyện. Đi hỏi mượn cái “bằng khoán” (sổ đỏ) của người chị, Tám Liếp quyết “bày keo khác”, nhưng lần này quay sang măng cụt, bòn bon và bưởi da xanh mà... nghỉ chơi với Ido luôn.

Vậy đó, bẵng đi thời gian tự nhiên mấy cây nhãn Ido còn sót lại tự... ngóc đầu lên rồi bật dậy đâm tược trổ bông trắng xóa, lại hăm hở đốn cây chống đỡ, chằng néo cho mấy cây nhãn, cho đến giờ chúng như những cây kiểng thế nằm đủ kiểu trong vườn nhãn của ông Tám Liếp.

Chúng vẫn tiếp tục cho trái oằn sai, cùng đám nhãn mới, chúng như những cây nhãn “nái”, như một chứng nhân cho “tình yêu” của ông Tám Liếp dành cho mảnh đất này và những liếp nhãn Ido.

Ông Tám Liếp hiện có gần 5ha nhãn Ido đang ở tuổi cho trái, sản lượng mỗi năm từ 70- 100 tấn trái. Năm 2017, ông ước tính sẽ trên 100 tấn, giá bán dao động từ 30.000- 40.000 đ/kg, nếu tính giá “sàn” thủ chắc phải trên 3 tỷ đồng.

Ngồi nói chuyện với Tám Liếp mà... 3 cái điện thoại của ông cứ réo từng chập, khi thì nông dân ở miền Tây gọi, lúc ở miền Đông, rồi Tây Nguyên ra miền Trung, thậm chí khu vực phía Bắc ở tận Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương...

Những cuộc hẹn ở khắp cả nước với lịch dày “khít rinh” nhờ ông đi hướng dẫn cách trồng nhãn, chữa bệnh cho nhãn.

Mà ngộ cái, ông đi giúp không công, giúp thiệt tình không giấu giếm, ông “rao giảng” về nhãn Ido không phải để bán giống, không “đánh bóng” tên tuổi để mần cái gì. “Tôi già rồi, mấy đứa con cũng nắm hết rồi; phải chỉ hết cho bà con cùng làm giàu, để lại đây làm chi”- Tám Liếp chân tình chia sẻ.

“Vậy từ đâu mà chú bén duyên và nặng lòng với cây nhãn Ido vậy? Chú Tám kể... xa xa chút chuyện hồi xưa ấy chú”- chúng tôi đề nghị. Chú Tám nhấp ngụm trà Thái Nguyên, đăm đắm mắt ngước nhìn những chùm nhãn đeo oằn đọt, cười khà khà: “Ôi thôi, cái chuyện nhãn này kể biết chừng nào cho hết”.

Một “NÔNG DÂN Nam Bộ” viết hoa

Những năm 80 của thế kỷ trước, thời nông nghiệp sản xuất theo kiểu tập đoàn, thì Tám Liếp muốn “đứng riêng một hàng” tự xẻ mương dẫn nước từ sông Cổ Chiên vào vườn, rồi lên liếp trồng nhãn xuồng.

“Ta nói nó gian nan khổ sở, bà con xung quanh nói mình bị khùng; còn trên xã cứ bắt lên, bắt xuống vì cái tội dám phá hoại nền nông nghiệp, phá hoại tập đoàn”.

Mấy năm sau, ông tìm được những nhánh nhãn Ido đầu tiên đem về trồng vì “trái nhãn thơm ngon mà còn đóng hộp được đi xuất khẩu, có thương hiệu sẵn trên thế giới”.

Ngay thời đó, ông đã nhận thấy tiềm năng làm giàu trên nền đất phù sa màu mỡ này và ông “đánh cược” cả đời mình vào cây nhãn. Mà ban đầu đâu phải dễ ăn, trồng trật vuột, cây không ra bông. Có được 2 ký nhãn Ido đầu tiên, đem lên chợ Vĩnh Long ngồi từ sáng tới chiều không ai thèm hỏi, bởi trái nhãn gì lạ hoắc.

Còn muốn mua ký phân kali phải ngồi đò lên chợ Vĩnh Long, bắt xe khách qua Trung Lương rồi đi xe ôm về Chợ Gạo mua 1 ký phân mất 700.000đ. Mỗi lần mua mười mấy triệu tiền phân, đem về “đổ” xuống đất mà chưa chắc gì có ăn...

Chỉ tính riêng khoản tiền ông “đổ” vô những cuộc thử nghiệm để tìm ra nguyên lý của cây nhãn Ido, cả việc thử nghiệm các loại phân từ hữu cơ, vô cơ cho đến các loại thuốc nông nghiệp... tính nhẩm sơ sơ đã hàng tỷ bạc.

Ông đem nhãn Ido lên gửi ở 3 nơi có nhiệt độ ôn đới xê xích nhau là: Bảo Lộc, Đức Trọng và TP Đà Lạt (Lâm Đồng), tới thời điểm là “bay” lên đó xịt thuốc cho từng cây. Để giờ đây Tám Liếp rút ra một nguyên tắc “sống còn” là: “Lấy nhiệt độ làm nền tảng, lấy thời gian làm yếu tố quyết định”.

Nắm được tính nết của cây, “lắng nghe” thời tiết mà uyển chuyển theo từng thời vụ, từng vùng thổ nhưỡng khác nhau, để đưa ra những công thức, những lời khuyên xác đáng cho từng nông dân trên khắp cả nước này.

Những phân tích từ yếu tố khoa học cho cây, đến việc lo đầu ra từ chợ trong nước cho đến xuất khẩu, chúng tôi ngạc nhiên: Tại sao một ông nông dân gắn bó với mảnh đất Vàm Lịch này từ xưa tới giờ, lại có “máu me” nghiên cứu để rút ra những “định luật” cây trồng như vậy?

·         Những cây nhãn Ido bị cơn bão tàn phá nằm “sát rạt” ngốc đầu sống dậy cho hàng tấn trái mỗi năm.
Những cây nhãn Ido bị cơn bão tàn phá nằm “sát rạt” ngốc đầu sống dậy cho hàng tấn trái mỗi năm.

Hồi trước giải phóng, khi đến tuổi thanh niên để trốn quân dịch, Tám Liếp lấy tên khai sinh em trai lên Đà Lạt học 4 năm ngành cơ khí.

Quảy cái bị lên đó chỉ có được 2 cái quần với 3 cái áo. Ở cái xứ lạnh, đổi thay không kịp phải mặc quần ướt đi học, nó lạnh thấu xương.

Nhà nghèo, những buổi tối, ngày nghỉ thì ông đi làm thuê cho mấy nhà vườn, dành dụm tiền học thêm 2 năm ngành nông học. Đó là những nền tảng giúp cho ông làm nông nghiệp một cách có bài bản, luôn suy nghĩ, trăn trở tìm ra nguyên nhân, nguyên lý vấn đề.

Trong lớp học 52 người của ông trước giải phóng, thì có... 51 người đã đi nước ngoài; trong đó, ông đặc biệt quan tâm tới những người làm nông nghiệp, ông kết nối tiếp thu, tiếp nhận cách làm nông nghiệp hiện đại và những giống cây mới của Mỹ, Đức...

Trong vườn ông rất nhiều giống cây quý gửi từ nước ngoài về, và ông đang âm thầm lai tạo giống nhãn mới mang thương hiệu Việt Nam.

Người ta gọi ông với những mỹ từ: “vua nhãn Ido”, “tỷ phú nhãn miền Tây”,... chúng tôi chỉ muốn gọi ông một cách “bản chất” nhất, đơn giản ông là một “NÔNG DÂN Nam Bộ” viết hoa.

Một NÔNG DÂN có khí chất hào sảng sẵn lòng sẻ chia, có dũng khí không khuất phục trước mọi nghịch cảnh và sự linh hoạt biết ứng biến uyển chuyển vào với thời đại của toàn cầu để tồn tại, phát triển và khẳng định cây trái của xứ sở mình.

Như lời tâm tình gan ruột của Tám Liếp, ông thương nông dân mình còn khổ lắm, cũng như ông thương chính cuộc đời mình, thương cha mẹ mình cũng đều là nông dân, từng nếm trải bao nhiêu đắng chát, gian nan với mảnh đất này.

 

Nắm bắt nguyên tắc quan trọng sau thu hoạch, ông Tám Liếp áp dụng kỹ thuật xử lý cho cây “ngủ” thời gian thích hợp sau thu hoạch, một cây nhãn có thể cho 1- 2 tấn trái. Ngoài năng suất cao, ông Tám còn nắm bắt tình hình thị trường xử lý cho nhãn ra hoa nghịch vụ để né nhãn xuất khẩu Thái Lan và các loại nhãn khác trong nước. Với những thành tích của mình năm 2013, ông Tám Liếp được tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

  • Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN