Giảm lượng giống, nâng hiệu quả

Cập nhật, 07:40, Thứ Ba, 20/06/2017 (GMT+7)

Trong canh tác lúa, giảm được lượng giống gieo sạ vào đầu vụ giúp nông dân tiết kiệm chi phí ban đầu, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất vẫn đạt cao hơn so với sạ dày theo kiểu cũ. 

Đó là hiệu quả của mô hình “Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa” được Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai thực hiện tại các tỉnh ĐBSCL và Nam Trung Bộ. Tại Vĩnh Long, trong vụ Hè Thu này, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Huỳnh Văn Thạch tiết giảm mỗi công lúa trên 70% lượng lúa giống gieo sạ so với biện pháp canh tác cũ.
Ông Huỳnh Văn Thạch tiết giảm mỗi công lúa trên 70% lượng lúa giống gieo sạ so với biện pháp canh tác cũ.

Năm nay là năm đầu tiên ông Huỳnh Văn Thạch (ấp Tân Thuận, xã Hòa Bình- Trà Ôn) tham gia sản xuất lúa theo việc áp dụng giảm lượng giống gieo sạ trên diện tích 1.400m2. Điều tâm đắc nhất của ông khi tham gia mô hình là mỗi công lúa tiết giảm được trên 70% lượng lúa giống gieo sạ so với biện pháp canh tác truyền thống.

Ông Huỳnh Văn Thạch cho biết: “Hồi đó giờ ở đây nông dân sạ quen là từ 20- 25kg giống mỗi công, năm nay tham gia mô hình tôi chỉ sạ có 8kg. Khoảng 10 ngày sau sạ thì hầu như không nhìn thấy lúa, ruộng thưa lắm. Nhưng không lâu sau khi lúa lớn, nở bụi từ từ thì nhìn trà lúa rất đẹp. Chưa kể, sạ thưa giúp lúa không bị ngã và ít bệnh.”

Cũng tham gia mô hình này, anh Nguyễn Văn Năm Em (xã Hòa Bình- Trà Ôn) phấn khởi cho biết từ đây về sau sẽ duy trì mô hình sạ hàng để giảm lượng giống khi sạ vừa tiết kiệm chi phí giống, phân thuốc, từ đó đem lại lợi nhuận cao hơn.

Mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa được thực hiện trên tổng diện tích 30ha, thu hút 43 hộ nông dân ở xã Hòa Bình (Trà Ôn) tham gia sản xuất.

Tham gia mô hình, nông dân chỉ gieo sạ 80kg giống/ha và áp dụng sạ hàng, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, cùng sử dụng một loại giống cấp xác nhận là OM 5451.

Điều quan trọng hơn, nhờ giảm lượng giống, sạ thưa đã giúp giảm hơn một nửa lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, mà năng suất lại đạt cao từ 6,5- 7 tấn/ha, lợi nhuận mỗi hecta ước đạt trên 16 triệu đồng, cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 4,2 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long, về giá thành sản xuất, 1kg lúa trong mô hình khoảng 2.700đ, còn ngoài mô hình là 3.200đ. Giá lúa bán trong mô hình được 5.200 đ/kg, trong khi đó ngoài mô hình chất lượng thấp hơn bán được 5.100 đ/kg.

Năm nay, trung tâm khuyến nông đang bảo vệ dự án và cũng được UBND tỉnh chấp thuận. Sắp tới, trung tâm chuẩn bị triển khai dự án trong vụ Thu Đông tới và trong 3 năm tiếp theo.

Với mô hình sản xuất lúa giảm lượng giống được triển khai thực hiện, rõ ràng đã phát huy hiệu quả trong sản xuất. Không những giảm lượng giống mà còn giúp cho bà con nông dân giảm được phân, thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một trong những tiêu chí mà ngành nông nghiệp hướng đến để góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung được xem là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, giá thành sản xuất lúa toàn vùng khá cao, đây là rào cản lớn khống chế lợi nhuận của nông dân.

Mô hình “Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa” trong vụ Hè Thu bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực phù hợp mục tiêu chung trong thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh là giảm giá thành trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.

  • Bài, ảnh: LÊ HẢI- LÊ SƠN