Kinh doanh sản phẩm hữu cơ để phát triển bền vững

Cập nhật, 16:21, Thứ Hai, 29/05/2017 (GMT+7)

Lấy việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm là mục đích kinh doanh, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã và đang đưa sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

Nhận định về nhu cầu của thị trường, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ đang ngày càng cao. Là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam nên Saigon Co.op nhận thấy, cần xây dựng mô hình gắn kết chuỗi giá trị nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời cùng với xã hội tham gia vào quá trình thay đổi nhận thức của người nông dân là sản xuất theo định hướng của thị trường, theo đó, những sản phẩm phải đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.

Không chỉ tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hữu cơ, người sản xuất tập trung cho sản xuất các sản phẩm hữu cơ mà dần dần chúng ta phải xây dựng một “lối sống hữu cơ”. Bởi chính sự thay đổi nhận thức về tiêu dùng này sẽ không đơn thuần chỉ là việc ăn uống các sản phẩm đó mà những nhà sản xuất, người tiêu dùng đã và đang góp phần tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, đồng thời về lâu dài còn góp phần cải tạo thỗ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái và để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, ông Kiên khẳng định.

Việc Saigon Co.op chủ động tham gia đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm có giá tốt nhất, không phải qua trung gian như trước đây. Saigon Co.op còn xem đây là trách nhiệm của mình trong việc từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

Chính vì vậy, mặc dù là một doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, song ngay từ nhiều năm trước Saigon Co.op đã tập trung cho những dự án liên kết với các doanh nghiệp và đối tác khác nhằm sản xuất sản phẩm hữu cơ để phân phối trong mạng lưới bán lẻ của mình.

Ví dụ như dự án mô hình lúa hữu cơ tại xã Mỹ lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là một trong những mô hình tiêu biểu đã phát triển được hơn 3 mùa vụ và là sự liên kết chặt chẽ giữa tỉnh Vĩnh Long và Saigon Co.op.

Mô hình được thực hiện đầu tiên ở vụ Hè Thu năm 2016. Với diện tích 44,3 ha, 74 hộ tham gia đã cung cấp cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op hơn 100 tấn gạo hữu cơ các loại.

Trong năm 2017, phải kể đến dự án mà Saigon Co.op đã tham gia đầu tư vào một trang trại có trên 300 hecta sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã được các tổ chức USDA của Mỹ, JAS của Nhật, chứng nhận của Liên minh Châu Âu (European Union), Naturland.

Bên cạnh đó, để có thể chủ động nguồn hàng hoá hữu cơ phụ vu cho hệ thống bán lẻ trải dài cả nước gồm 87 siêu thị cùng hơn 500 cửa hàng tiện ích, ngày 8/5, tại TPHCM Saigon Co.op đã công bố hợp tác các đơn vị chuỗi giá trị hữu cơ và công bố thương hiệu Co.op Organic nhằm phát triển chuỗi sản phẩm hữu cơ và giới thiệu ra thị trường Việt Nam 4 nhóm thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu tại 7 siêu thị của Saigon Co.op gồm Co.opmart Lý Thường Kiệt, Cống Quỳnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Đình Chiểu, Phú Mỹ Hưng và Co.opXtra Tân Phong bên trong SC VivoCity tại TPHCM.

Sau khi cho ra mắt những sản phẩm hữu cơ Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu, Saigon Co.op sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, nhân rộng điểm bán và phát triển phong phú thêm danh mục sản phẩm hữu cơ theo đúng nhu cầu của thị trường, hướng tới trở thành đơn vị dẫn đầu trong chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng sản phẩm Organic tại thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.

Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, diện tích đất canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng đều qua các năm đạt trên 76.000 ha tính đến năm 2016 và lọt vào top 10 quốc gia có diện tích đất canh tác hữu cơ lớn nhất châu Á cho thấy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ đã ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới là việc làm cấp thiết để phát triển các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng, nông nghiệp nói riêng và nền nông nghiệp bền vững nói chung.

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Trần Thanh Nam, đây là một lĩnh vực tuy không mới nhưng đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam nên ngành nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất này phải xây dựng cho mình một kế hoạch lâu dài. Theo đó, cần lựa chọn chủng loại sản phẩm để sản xuất theo lợi thế địa phương, vùng.  Cùng với các chính sách ưu đãi dành cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này của Chính phủ thì để tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động giám sát vào quá trình sản xuất của các hộ nông dân; hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống cho người sản xuất; tăng cường quảng bá các sản phẩm của mình ra thị trường và người tiêu dùng…

Theo Thanh Thủy (Chinhphu.vn)