Chăn nuôi ở vùng khoai

Cập nhật, 05:53, Thứ Tư, 10/05/2017 (GMT+7)

Xã Tân Lược (Bình Tân) dù không phải là vùng chuyên canh khoai lớn của huyện, nhưng với khoảng 150ha khoai lang, bà con đã tận dụng được nguồn thứ phẩm như dây lá và khoai củ dạt, để tạo nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, giảm được nhiều chi phí thức ăn cho các vật nuôi như: dê và thỏ.

Vợ chồng ông Thanh rất “mê” con thỏ tuy mất nhiều thời gian chăm sóc.
Vợ chồng ông Thanh rất “mê” con thỏ tuy mất nhiều thời gian chăm sóc.

Kiểm soát tăng đàn dê

Chủ tịch UBND xã Tân Lược Trần Văn Sáu đánh giá cao việc tận dụng nguồn phụ phẩm từ khoai lang để phát triển một số mô hình chăn nuôi ở địa phương, mà chủ yếu là nuôi dê với tổng đàn lên đến trên 800 con. Con dê được xem là vật nuôi góp phần cơ cấu lại nông nghiệp của địa phương.

Đặc biệt là mô hình nuôi thỏ, dù không nhiều người “mặn mà” với con thỏ nhưng thực tế đây là vật nuôi không khó và mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định.

Ông Phạm Văn Tài- Phó trưởng ấp Tân Minh (xã Tân Lược)- cho biết: Do con dê không đòi hỏi kỹ thuật cao, giống ăn tạp nên bà con tận dụng nguồn thức ăn đa dạng; đặc biệt nguồn dây khoai lang được xem là thức ăn chủ lực đối với con dê ở đây. Hiện nay, riêng ấp Tân Minh đã phát triển lên 31 đàn dê.

Đối với thông tin về giá dê đang sụt giảm thì cũng cần nói lại cho rõ là giá dê thịt vẫn ổn định trong nhiều năm nay, chỉ có thể là đàn dê đang bước vào thời kỳ bão hòa nên giá dê giống có sụt giảm mạnh. Giá dê thịt (con đực) dao động trong khoảng từ 95.000- 105.000 đ/kg.

Riêng dê cái thì quán không chuộng lắm nên giá chỉ còn 50.000- 60.000 đ/kg. Hồi trước, khi phong trào nuôi dê mới phát triển thì giá dê giống rất cao, một con dê nái có thể bán được từ 5 triệu đến cả chục triệu đồng.

Sau nhiều năm “ly hương” đi làm công nhân ở Bình Dương, ông Nguyễn Văn Ái (ấp Tân Minh) đưa gia đình về “củng cố” lại mấy công vườn, đồng thời “gắn” với con dê cho đến giờ.

“Với đàn dê 30 con, coi như mấy năm nay đủ để xoay xở mọi thứ tiền nong, cho đến khoảng nặng nhất là việc học hành của 2 đứa con gái thì cũng nhờ bầy dê. Được cái, con dê rất dễ bán nên khi cần tiền chỉ cần a lô chút xíu là có mối lái tới chở rồi”- ông Ái cho biết.

Thời gian gần đây, bà con nuôi dê còn đào hầm ủ phân dê bán lại cho mối lái, với giá 16.000 đ/kg. Hoặc một số bà con trồng vườn thì dành bổ sung nguồn phân hữu cơ.

Theo ông Ái, con dê chỉ cần chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, cần chú ý đừng để dê con bị lạnh dễ bị bệnh. Ngoài ra, nguồn thức ăn địa phương sẵn có tận dụng dây khoai lang, tăng cường thêm chuối cây, nên giảm chi phí thức ăn rất nhiều.

Thời gian gần đây, đi qua những ruộng khoai sẽ thấy có rất đông bà con đi xin dây khoai, mỗi sáng trên bờ xe đậu kín, dưới sông thì xuồng đậu như bến chợ, vì người đi xin dây khoai còn đông hơn người đi làm khoai. Điều đó cho thấy phong trào nuôi dê đang phát triển mạnh.

Tuy nhiên, bà con cũng cần chú ý về cung cầu của tổng đàn dê và thị trường, khi mà gần đây đã có hiện tượng rớt giá của dê giống, còn dê thịt thì cũng có giảm dù không nhiều. Với giá hiện nay giữ ổn định thì người chăn nuôi dê sống được.

Phát triển vật nuôi mới

Ở ấp Tân Minh, cho đến nay chỉ mới có duy nhất ông Huỳnh Văn Thanh là chọn con thỏ làm vật nuôi chủ lực phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ban đầu chỉ có vài cặp thỏ giống Hòa Lan mắt xéo, sau hơn 5 năm đàn thỏ vừa thỏ giống vừa thỏ thịt đã lên đến trên 300 con. Con thỏ cũng rất dễ nuôi, do chưa có nhiều người nuôi nên cũng rất dễ bán.

Thuận lợi nữa là con thỏ có thể ăn được rau lang sẵn có ở địa phương. Ngoài nguồn rau lang, phải cắt thêm cỏ và cho ăn giặm lúa mới bảo đảm đủ chất cho thỏ phát triển tốt.

Tuy nhiên, con thỏ khó hơn con dê là nguồn rau phải sạch nên chỉ có thể sử dụng “rau gài” tức sau khi khoai cuộn dây một thời gian, mới có thể tận dụng được đọt khoai mới mọc chưa có xịt thuốc và con thỏ thì dễ bị bệnh giai đoạn còn non, cho đến nay các loại thuốc thú y thông thường chưa chữa trị được hiệu quả hiện tượng “nhảy mũi” ở thỏ con, nên số lượng hao hụt còn lớn.

Ông Thanh cho biết, đây là giống thỏ Hòa Lan mắt xéo, vòng sinh sản nhanh sau khi đẻ vài bữa là có thể phối giống nên khi bầy con vừa tròn tháng là thỏ mẹ đã đẻ lứa tiếp theo.

Giá thỏ thịt dao động trong khoảng từ 50.000- 85.000 đ/kg, khi cần bán có lái đến thu mua tại nhà. Thỏ từ 4- 5 tháng tuổi đạt trọng lượng trên 2 kg/con là có thể xuất chuồng, tùy theo số lượng có thể thu nhập trên dưới chục triệu đồng.

Con thỏ có giá bán không cao, nhưng cùng với con dê là những vật nuôi dễ phát triển đối với những hộ gia đình ít vốn, chi phí đầu tư thức ăn không nhiều mà chủ yếu là bỏ công, nhất là con thỏ thì tốn nhiều công cắt cỏ nếu nuôi đàn lớn, như ông Thanh than: “Suốt ngày, vợ chồng tui không ngơi tay với bầy thỏ”.

Tuy nhiên, đối với điều kiện thuận lợi của vùng khoai, việc phát triển chăn nuôi nhỏ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, là rất phù hợp cho nhiều bà con tận dụng tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Những gia đình nuôi dê như ông Ái hay nuôi thỏ như ông Thanh, họ đều có nuôi thêm nhiều loại gia cầm như: gà, vịt, ngỗng... coi như phụ thêm tiền chợ hàng tháng, hoặc khi có khách, đám tiệc cũng tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể.

Xã Tân Lược hiện phát triển tổng đàn gia cầm: 5.050 con; trong đó, gà: 4.026 con, vịt: 1.024 con. Gia súc: heo 815 con, bò 89 con và dê 800 con (không có thống kê chính thức về nuôi thỏ).

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH THÁI