"Bệ phóng" giúp nông dân vượt khó

Cập nhật, 06:16, Thứ Ba, 04/04/2017 (GMT+7)

Bằng việc tự ươm cá giống và đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn viên nén phục vụ nuôi trồng thủy sản, “tỷ phú chân đất” Nguyễn Văn Tấn (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú- Long Hồ) trụ vững ngay trong thời điểm giá cá giảm sâu.


Không những vậy, thay vì cho con phát triển sự nghiệp ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, ông lại tự tin “kéo” con về cùng làm nhà nông với mình.

“Tỷ phú chân đất” Nguyễn Văn Tấn (bìa trái) tự tin làm “nhà nông”.
“Tỷ phú chân đất” Nguyễn Văn Tấn (bìa trái) tự tin làm “nhà nông”.

Đầu tư tiền tỷ, giảm chi phí nuôi cá

Nhiều lúc đi đến đâu cũng nghe nông dân “than trời” vì giá cả cây trồng, vật nuôi bấp bênh, nhưng ông Nguyễn Văn Tấn thì vẫn tiếp tục ươm cá giống để nuôi và có ý định mở rộng đầu tư sản xuất thức ăn viên nén cho cá để tung ra thị trường bán, bởi “theo quy luật cung cầu thì qua giai đoạn giảm sâu, giá cả sẽ tăng trở lại và người dân sẽ tái đầu tư”- ông Tấn nói.

Là một trong những nông dân sản xuất giỏi của tỉnh với thu nhập hơn 1,1 tỷ đồng/năm nhờ tận dụng phát triển sản xuất theo mô hình VAC- trồng nhãn Ido (Edor), chôm chôm Thái, chăn nuôi heo, nuôi cá trong ao và lồng bè, ông Tấn nói:

“Qua tham gia các lớp tập huấn và tham quan các mô hình sản xuất đã giúp tui học hỏi rất nhiều về khoa học kỹ thuật. Từ đó, gia đình tui thống nhất đầu tư sản xuất theo mô hình VAC kết hợp nuôi thủy sản theo mô hình khép kín nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”.

Cách nay gần 1 năm, ông Tấn lên kế hoạch cùng 2 con trai đầu tư dây chuyền nhà máy sản xuất thức ăn viên nén nhập khẩu từ Đài Loan và Ấn Độ với kinh phí 3 tỷ đồng. “Từ những kiến thức đã học, các con đã hỗ trợ tui rất nhiều từ việc vận hành nhà máy đi vào hoạt động đến nghiên cứu thành phần thức ăn đạt chất lượng và cách phòng trị bệnh cho cá”- ông Tấn nói.

Qua nhiều lần chạy thử nghiệm, ông Tấn cùng các con đã tìm ra bí quyết làm thức ăn viên đạt chất lượng. Đến tháng 7/2016, nhà máy đã đi vào hoạt động hiệu quả với năng suất đạt 250- 300 kg/giờ.

Theo ông, từ việc đầu tư dây chuyền nhà máy sản xuất thức ăn viên nén đã giúp ông tiết kiệm tiền mua thức ăn từ 2.000- 3.000 đ/kg. Nhờ vậy, 11 lồng bè nuôi cá chim trắng, điêu hồng và cá lăng giảm được rất nhiều chi phí đầu tư.

Nông dân cần được tiếp cận nguồn vốn

Tốt nghiệp ĐH Nông lâm chuyên ngành tự động hóa, anh Nguyễn Lê Trung- con ông Tấn- có công việc khá ổn định tại TP Hồ Chí Minh với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nhưng anh vẫn cùng người em trai là cử nhân dược sĩ khăn gói về quê phụ cha làm nông.

Theo anh Trung, đây là ý tưởng giúp anh ứng dụng chuyên ngành đã học vào thực tiễn. Nhìn chung, mô hình đầu tư hiệu quả, bởi qua tính toán, anh thấy khá sát hợp với lý thuyết đã học, đặc biệt là khi gửi mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm cho kết quả đạt.

Việc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn viên nén giúp ông Tấn tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá. Trong ảnh: Ông Tấn (trái) và con trai bên dây chuyền nhà máy sản xuất thức ăn viên nén.
Việc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn viên nén giúp ông Tấn tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá. Trong ảnh: Ông Tấn (trái) và con trai bên dây chuyền nhà máy sản xuất thức ăn viên nén.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá cá điêu hồng luôn giảm sâu trong vòng 5 năm qua, nên lợi nhuận chưa cao. Năm rồi, mức giá cá thương phẩm là 32.000 đ/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 25.000- 26.000 đ/kg. Nếu như người nuôi mua thức ăn bên ngoài thì lỗ nặng, còn với việc tự sản xuất thức ăn viên nén thì có thể “cầm cự” được.

Theo ông Tấn, hiện ông vẫn cố gắng duy trì và tiếp tục tái đầu tư: “Ngoài sản xuất thức ăn viên nén tự phục vụ nuôi thủy sản, tui còn có ý định mở rộng sản xuất để bán thức ăn ra thị trường. Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư và dự trữ nguyên liệu là rất lớn.

Trong khi đó, rất khó tiếp cận nguồn vốn, nếu thế chấp bằng khoán đất thì chỉ vay được 60 triệu đồng/công, vẫn không đủ để trữ nguyên liệu (đậu nành, cám...) với số lượng lớn vào đợt rộ mùa thu hoạch nông sản.

Ông Nguyễn Thanh Long- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phú- cũng nhận định: Nhìn chung, nông dân hiện nay tiếp thu khoa học kỹ thuật rất nhanh, nhiều người còn chủ động lên mạng Internet để tìm kiếm thông tin và đầu tư mạnh vào sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn lớn để mở rộng và phát triển sản xuất. Rất cần có sự đầu tư cho nông dân tiếp cận nguồn vốn sản xuất.

 

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, gia đình ông Tấn có cuộc sống khấm khá hơn và luôn quan tâm giúp đỡ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong xây dựng nông thôn mới, ông đã hiến 1.200m2 đất để làm tuyến đê bao 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ.

 

  • ™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI