Tam Bình

Cơ cấu lại nông nghiệp- nâng cao đời sống nông dân

Cập nhật, 06:13, Thứ Tư, 08/03/2017 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp là mục tiêu đề ra của đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Sau 3 năm thực hiện đề án này, huyện Tam Bình đã có những bước tiến đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương.

Tam Bình chọn con bò làm vật nuôi chủ lực để phát triển nông nghiệp.
Tam Bình chọn con bò làm vật nuôi chủ lực để phát triển nông nghiệp.

Những chuyển biến tích cực

Thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ năm 2014- 2016, huyện Tam Bình đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất.

Các giải pháp nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng VietGAP đã triển khai thực hiện khá tốt. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng nhẹ.

Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.

Giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích liên tục tăng qua từng năm, năm 2016 đạt 128,7 triệu đồng/ha, tăng 11,1 triệu đồng so với năm 2014 (tăng 6,9%/năm).

Qua đó, có nhiều tập thể cá nhân có thành tích nổi bật, đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp. Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh) được thành lập từ năm 2014, với 80 lao động.

Đến nay, đã có 615 lao động tham gia làm các sản phẩm từ lục bình, thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng, nhờ đó có 5 hộ đã thoát nghèo.

Còn anh Thạch Sa Bal (xã Loan Mỹ) có mô hình trồng nấm rơm trong nhà đem lại năng suất cao, thu nhập ổn định.

Anh Sa Bal cho biết: “Trước khi làm nấm rơm trong nhà, tui có đi học hỏi kinh nghiệm ở An Giang”. Theo anh thì khi trồng nấm trong nhà lợi nhuận tăng hơn so với cách trồng nấm thông thường 4,5 triệu đồng/vụ.

Bởi trồng nấm trong nhà năng suất cao hơn mà công chăm sóc cũng nhẹ hơn, không lệ thuộc thời tiết mưa nắng thất thường và nhất là có thể trồng nấm quanh năm.

Nói về việc đưa cây cam sành “sống lại” ở vùng đất Tam Bình mà phần nhiều là xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh Nguyễn Văn Sơn cho biết: “3 năm qua, xã đã có gần 100ha trồng mới cây cam sành, nâng tổng diện tích cam của xã lên 215ha. Có nhiều nông dân thành công và thu lời hàng trăm triệu đồng/vụ”.

Tiêu biểu trong việc đẩy mạnh chăn nuôi là những mô hình nuôi vịt bằng đệm lót sinh học, nuôi bò, nuôi heo sinh sản, nuôi cá lóc vèo, nuôi cá trê vàng, nuôi lươn thương phẩm… của ông Trần Văn Hùng, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Văn Tuồng,…

Đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình nhấn mạnh: Cơ cấu lại nông nghiệp là mục tiêu của huyện Tam Bình, đó là con đường phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị nông sản để nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Cần những bước tiến vững chắc cho nông nghiệp

Sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất.
Sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất.

Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn tuy có bước phát triển nhưng chuyển dịch còn chậm và việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Bí thư xã Mỹ Lộc Võ Ngọc Liền cho rằng: “Việc thực hiện cơ cấu nông nghiệp ở xã còn nhiều khó khăn do người dân chưa quen. Thêm vào đó, qua việc rau màu và vật nuôi rớt giá, lúa gạo tăng giá làm nông dân dao động và chưa muốn chuyển đổi”.

Quá trình sản xuất nông nghiệp còn thiếu tính bền vững do tác động của thiên tai, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, lạm dụng hóa chất, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng làm ảnh hưởng chất lượng nông sản. Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Quốc Thái cho rằng:

Sau 3 năm (2014-2016) thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các tổ chức đoàn thể- chính trị xã hội đã phát động thực hiện được nhiều mô hình, dự án nhằm khuyến khích đoàn viên, hội viên thi đua sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Đoàn thanh niên củng cố và thành lập 17 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi; quản lý 115 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng, hỗ trợ 1.250 đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn phát triển các mô hình kinh tế.

Trước mắt, cần tập trung tuyên truyền vận động nông dân liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa nâng chất lượng; sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch không theo phong trào. Song song đó, huyện sẽ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho rằng: “Muốn không lúng túng bị động thì các cán bộ cơ sở phải có kế hoạch cây trồng vật nuôi cụ thể ở địa phương mình trong từng thời điểm”.

Ông cũng chỉ rõ những hạn chế của việc làm 3 vụ lúa như hiện nay làm mất độ màu mỡ của đất, năng suất lúa giảm và giá thành ngày càng cao hơn. Ngoài ra, để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thì huyện Tam Bình nên: “Vận động nông dân sử dụng rơm để nuôi bò, làm nấm rơm hay phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh- hiện chỉ đạo huyện Tam Bình, nói: Cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện hệ sinh thái từng vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đầu năm 2017, GS.TS Võ Tòng Xuân đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện cơ cấu lại nông nghiệp với nông dân huyện Tam Bình.

Theo đó, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng nông dân phải tăng cường năng lực cạnh tranh, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức sản xuất hiện đại; nông dân và doanh nghiệp cần liên kết giữa đầu ra, đầu vào sản phẩm; nông dân phải ứng dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng nông dược an toàn mới đủ điều kiện cạnh tranh thị trường tự do trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Song song đó là sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Góp phần vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp địa phương, 3 năm qua, Hội LHPN phối hợp mở 96 lớp dạy nghề cho gần 2.600 lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm và tạo việc làm tại chỗ cho trên 14.000 lao động. Ngoài ra, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Chữ thập đỏ cũng đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp,…

Bài, ảnh: CAO HUYỀN