Chăn nuôi bò... đang hồi gặp khó

Cập nhật, 15:52, Thứ Sáu, 24/03/2017 (GMT+7)

 

Con bò đã và đang là vật nuôi kỳ vọng của nhiều nông dân muốn thoát nghèo.
Con bò đã và đang là vật nuôi kỳ vọng của nhiều nông dân muốn thoát nghèo.

Được xem là “nguồn vốn” trong mỗi gia đình, chăn nuôi bò là một phần không thể thiếu trong phát triển kinh tế gia đình của nhiều nông dân hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng bò rớt giá đang làm nhiều người dân lo lắng.

Lo bò giảm giá

Anh Nguyễn Việt Hùng (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) hiện đang nuôi 2 con bò, 2 con dê và lấy nghề lái bắp làm sinh kế của gia đình. “Buôn bán để đem lại chi phí sinh hoạt hàng ngày và 2 đứa con ăn học.

Còn nuôi bò coi như là đồng vốn dành dụm”- anh Hùng nói. Còn anh Nguyễn Văn Tú (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) đang nuôi một con bò cái mới. Mấy năm trước, anh cũng nuôi một con bò cái, sau mấy lứa bán nghé con đã lấy vốn và “té” ra vốn cho việc trồng vườn ổi không hạt.

Anh Tú nói nghé giờ giá khá rẻ, khoảng 15 triệu là đã có con nghé… “bành trướng”. Anh nói mua bán bò cả thịt lẫn giống giờ “mềm” hơn so với trước.

Hộ ông Thạch Sil (ấp Đại Nghĩa, xã Loan Mỹ- Tam Bình) vừa bán một con bò thịt, giống bò lai Pháp cao to với giá 26 triệu đồng. Ông Thạch Sil nói: “2 năm trước, có người trả 22 triệu tôi không bán, nuôi nó 2 năm giờ thêm được 4 triệu tiền lời”.

Lời vì ông Sil có cỏ vườn nhà nhưng nếu các hộ nuôi nhiều bò phải thuê đất trồng cỏ hay mua rơm thì cũng gặp khó.

Đối với những bà con nhận bò của các dự án hỗ trợ, con bò là khởi đầu cơ nghiệp như hy vọng thoát nghèo. Tuy nhiên, nhiều hộ cũng đang lo lắng vì giá bò giảm.

Chị Trần Thị Thật (ấp Bào Xép, xã Tân An Luông- Vũng Liêm) được nhận bò từ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ nhưng băn khoăn: “Có con bò cái phủ giống 3 lần không lên, tôi mới kêu lái bán, lái trả có 3 triệu đồng”. An ủi cho chị là con bò cái này cũng đã đẻ được 1 bò con.

Đến cuối năm 2016, đàn bò của huyện Tam Bình có trên 14.200 con, tăng khoảng 3.200 con. Trong định hướng phát triển kinh tế của huyện, con bò vẫn là vật nuôi chủ lực. Ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ- Tam Bình) hiện có hơn 200 con bò.

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp- Trần Văn Thảo cho chúng tôi biết số lượng bò như vậy là khá nhiều, nên cũng lo “nếu bò giống rớt giá, nhiều hộ mất trắng công sức mấy năm”.

Phải nâng cao chất lượng đàn bò

Theo ông Trần Văn Thảo: Hiện nay, đàn bò vẫn còn khả năng phát triển tốt, là con vật giảm nghèo cho bà con. Tuy nhiên, giống bò phải được quan tâm, đầu tư vì chỉ có cái giống bò lai mới mang lại hiệu quả kinh tế.

Nói về việc bò rớt giá, ông cho rằng: “Những năm gần đây, đàn bò được nhân lên quá nhanh và quá nhiều hộ dân chuyển sang nuôi bò bán giống, dẫn đến cung vượt cầu”.

Nhà ông Thảo vừa bán 2 con bò lai Pháp với giá hơn 60 triệu đồng, lời khoảng 30 triệu đồng. Nhưng với không ít hộ nuôi bò cỏ thì càng nuôi càng lỗ.

“Trong ấp có hộ mua bò giống khoảng 15 triệu, nuôi 2 năm không phủ giống được rồi kêu lái bán 11 triệu”- ông Thảo dẫn thực tế tại địa phương mình. Nhiều nông dân cho rằng, tầm 2 năm trước, mỗi con bò giống bình thường độ 10- 15 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 7 triệu/con.

Trao đổi về vấn đề này với nông dân ở Tam Bình, ông Trần Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long) cho rằng: “Con bò đang quay lại với giá trị thật của nó khoảng 5 năm trước. Vì có một thời gian chúng ta đẩy mạnh việc mua bò giống nên giá bò tăng cao. Giờ khi thị trường bão hòa thì con bò quay lại giá trị cũ”.

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) lái bò hơn 3 năm nay, cho hay: Giờ số lượng bò nhiều hơn trước đây. Do có nhiều giống bò, mà bò lai thì nạc nhiều, ngon ngọt hơn nên được thị trường ưa chuộng, còn bò cỏ thì có khi “dội hàng”, giá thấp.

Con bò vẫn là vật nuôi “thoát nghèo bền vững” vì mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Tuy nhiên, ngoài việc quan tâm đến số lượng thì đã đến lúc cần đầu tư nâng chất lượng đàn bò để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

 

 

Ông Trần Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long) cho biết: Nếu phối giống bằng tinh bò nhân tạo 2 lần không đậu, bà con nên cho phối giống trực tiếp, tự nhiên. Tuy nhiên, khi phối giống phải chọn bò đực tương đồng bò cái. Nếu không thành công nữa thì bà con nên chủ động bán để mua bò mới.

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN- MINH THÁI