Không thể "trồng rau 2 luống, nuôi heo 2 chuồng"

Cập nhật, 05:39, Thứ Ba, 14/02/2017 (GMT+7)

 

Hội ngành nghề Dưa cải muối chua ấp Tân Định (Tân Lược- Bình Tân) đảm bảo những quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất.
Hội ngành nghề Dưa cải muối chua ấp Tân Định (Tân Lược- Bình Tân) đảm bảo những quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất.

“Trồng rau 2 luống, nuôi heo 2 chuồng”- hiểu là một bên để bán và một bên để ăn. Sản phẩm làm ra để ăn thì tương đối an toàn còn để bán thì tồn dư hóa chất độc hại. Ông Lưu Thành Công- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- cho rằng đạo đức không cho phép người sản xuất, chăn nuôi làm việc đó.

“Cam kết đạo đức”  từ khâu sản xuất

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số cơ sở sản xuất chế biến nông sản của tỉnh gần đây, ông Lưu Thành Công tâm đắc với phương châm sản xuất của HTX Rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân): “Khi sản phẩm đưa ra thị trường thì HTX lúc nào cũng nghĩ về 2 chữ tâm đức, sản phẩm đến với người tiêu dùng cũng như đến với người thân của mình”.

Ông Lê Văn Trung- Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợi- cho biết thêm, việc sản xuất của HTX đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị thu mua, trong đó triệt để sử dụng phân thuốc theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, đảm bảo không tồn dư dư lượng phân bón và thuốc trong sản phẩm nông sản.

Bên cạnh đó, HTX chú trọng việc ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng, ngày tháng tưới nước, bón phân, phun thuốc trong quá trình sản xuất. Từ đó đảm bảo quy cách, số lượng chất lượng sản phẩm theo yêu cầu. Quản lý và nhắc nhở từng hộ nông dân phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kiến- Chủ tịch Hội ngành nghề Dưa cải muối chua ấp Tân Định (xã Tân Lược- Bình Tân), trước đây quy trình sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống nhưng hiện tại các cơ sở sản xuất đều được tập huấn về kiến thức ATTP.

Từ năm 2013, quy trình sản xuất dưa cải muối chua của Trường ĐH Cần Thơ đã được chuyển giao cho các hộ làm nghề dưa cải. Đến nay, tất cả các hộ đã ứng dụng tốt quy trình này.

Trước những băn khoăn về các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, ông Nguyễn Văn Kiến khẳng định hội ngành nghề chỉ sử dụng các chất phụ gia có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ dùng trong thực phẩm. Trong những năm gần đây, các hộ sản xuất kinh doanh cũng đã nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư các trang thiết bị mới đảm bảo yêu cầu về vệ sinh ATTP.

Ở góc độ quản lý, thời gian qua, Sở Nông nghiệp- PTNT đã phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về chất lượng vệ sinh ATTP trong sản xuất, chăn nuôi thông qua việc ký cam kết không sử dụng hóa chất cấm, kháng sinh để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.

Trong nỗ lực xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn vì đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào đăng ký xác nhận.

Hiện Vĩnh Long có 1 chuỗi cung ứng đậu bắp xanh an toàn là kết quả thực hiện dự án “đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất kinh doanh nông- lâm- thủy sản năm 2015”.

Tăng cường nguồn lực  quản lý ATTP

Thực hiện chương trình giám sát ATTP, đặc biệt là về chất cấm trong chăn nuôi, thời gian qua, ngành chuyên môn đã giám sát việc sử dụng chất tạo nạc (Salbutamol) tại 250 cơ sở gồm 106 hộ chăn nuôi và 144 tiểu thương (thuộc 31 lò giết mổ), xét nghiệm 363 mẫu. Kết quả có 10 mẫu dương tính cho thấy đã giảm nhiều so với năm 2015.

Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm sơ chế chế biến nguồn gốc động vật thí có 20/50 mẫu không đạt do tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt tươi các loại và trong các sản phẩm chế biến từ thịt.

Nguyên nhân hầu hết các mẫu không đạt là do tồn dư chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép và nhiễm vi sinh. Tỷ lệ mẫu không đạt tăng so với năm 2015 là 27,8%.

Lý do vẫn còn những hộ, cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định về ATTP trong sản xuất. Cơ sở vật chất tại nơi kinh doanh không đảm bảo. Đặc biệt việc sử dụng phụ gia không kiểm soát được liều lượng gia tăng.

Kết quả kiểm tra, giám sát về tồn dư hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả cũng cho thấy tỷ lệ mẫu không đạt tăng lên so với năm trước.

Ông Nguyễn Quang Phụng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho rằng, quản lý chất lượng hiện nay rất cần một quy trình đồng bộ, thống nhất chứ không thể “cắt khúc”.

Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay khó kiểm soát dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi việc lấy mẫu kiểm tra mất rất nhiều thời gian nên khó để kịp thời xử lý.

Đồng tình quan điểm trên, ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, dư lượng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi hiện rất khó kiểm soát. Trong giết mổ thì kiểm tra xử lý cũng không dễ, đặc biệt là việc bơm nước vào gia súc vẫn còn diễn ra và rất tinh vi.

Theo ông Trương Thanh Sử, công tác phối hợp liên ngành thời gian qua được thực hiện khá ăn ý, đã hạn chế chồng chéo, nhưng nhân sự cho quản lý ATTP ở địa phương cần được bố trí phù hợp, để nâng cao hiệu quả giám sát.

 

Liên quan đến công tác quản lý chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, việc này nhất thiết phải thực hiện từ trên xuống, nhất là ở cấp bộ, địa phương không thể quản lý theo kiểu “chống dột”. Bên cạnh bố trí cán bộ quản lý ATTP địa phương hợp, BCĐ chuyên ngành cấp tỉnh cũng cần được tăng cường về nguồn lực kèm theo biện pháp chế tại đủ mạnh để đủ sức răn đe.

 

  • ™Bài, ảnh: LÊ SƠN