Cau vàng núp bóng xoài xanh- trồng chơi ăn thiệt

Cập nhật, 13:36, Thứ Tư, 15/02/2017 (GMT+7)

Đi trên đường đan nối liền 2 ấp Rạch Sâu và Rạch Vọp (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) sẽ cảm nhận được sự mát mẻ của bóng cây, dù trời đang trưa nắng.

Đó là bóng mát của những vườn xoài san sát che mát cả vùng. Đặc biệt, dưới tán xoài là một màu xanh mơn man của những cây cau vàng làm cho những khu vườn đã xanh lại thêm xanh.

Ông Trần Văn Thu bên cây xoài lủng lẳng trái đang chuẩn bị thu hoạch, phía dưới là đám cau vàng xanh um cũng chuẩn bị cắt lá.
Ông Trần Văn Thu bên cây xoài lủng lẳng trái đang chuẩn bị thu hoạch, phía dưới là đám cau vàng xanh um cũng chuẩn bị cắt lá.

Khoảng 10 năm nay, người dân Quới Thiện đã trồng cau vàng (cau kiểng) xen dưới vườn xoài, gốc dừa để bán lá. Lúc đầu mọi người chỉ cho đây là nguồn thu nhập thêm. Dần dần, nhu cầu kiểng lá ở các shop bán hoa tươi ngày càng cao thì cây cau vàng trở thành nguồn thu nhập chính. Tuy là trồng xen kẽ dưới vườn xoài, nhưng cau vàng lại cho thu nhập cao hơn xoài.

Anh Lê Quốc Thuần (ấp Rạch Vọp) có 8,5 công đất trồng xoài. Dưới tán xoài, anh trồng cau vàng, mỗi tháng bán lá cau hơn 10 triệu đồng. “Tui trồng chơi, ít chăm sóc, do bận việc mua bán. Chỉ chăm bón phân cho cây xoài, còn cây cau hưởng phần thừa nên lá không tốt lắm và cũng không nhiều. Những người chăm sóc kỹ hàng tháng bán gấp đôi của tui đó”- anh Thuần cho biết. Vừa nói chuyện, anh Thuần vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trên đường đan. Hai bên đường là những vườn xoài đang cho trái đung đưa, dưới gốc là màu xanh của cau vàng non mướt che phủ làm khung cảnh trở nên thơ mộng hơn.

Ông Trần Văn Thu (Năm Thu) ở ấp Rạch Sâu- nguyên Chủ tịch UBND xã Quới Thiện- là một trong những người tiên phong trong phong trào trồng cau vàng xen trong vườn xoài. Ông Năm có 5 công đất vườn trồng chuyên canh xoài cát chu. Mỗi năm thu hoạch từ xoài khoảng 80 triệu đồng, thì tiền bán lá cau vàng cũng tương đương.

Ông Năm Thu cho biết: Nông dân ở xứ Cái Mơn (huyện Chợ Lách- Bến Tre) đã trồng cây cau vàng từ lâu, nhưng ở xứ đó chuyên làm cây giống và hoa kiểng nên trồng rất ít. Do cây cau vàng này chịu bóng mát nhưng xứ hoa kiểng Cái Mơn lại cần trảng nắng, từ đó diện tích trồng ít, nguồn cung không đủ. Con gái ông đi Cái Mơn thấy người mua lá cau vàng nhiều và cũng có người hướng dẫn trồng dưới vườn xoài, nên trồng thử và coi đây là nguồn thu phụ. Nhưng không ngờ, dần dần nguồn thu từ cây cau vàng lại tương đương với vườn xoài. Hàng tháng, thương lái tới cắt mua lá. Người mua phải ra công cắt, người bán chỉ việc đếm lá tính tiền. Cứ mỗi lá 400đ, mỗi đợt cắt khoảng 25.000 lá thu hơn 10 triệu đồng. Sau mỗi đợt cắt lại rải phân, cả 5 công chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng tiền phân. “Cây cau vàng này chịu bóng mát, nhưng tốt nhất là trong vườn xoài. Vì cây xoài cao, tán rộng, có bóng mát, nhưng lại cũng có một khoảng không cao nên cây cau rất ưa, phát triển tốt nhất.

Thương lái hàng ngày đều đến xã Quới Thiện mua lá cau.
Thương lái hàng ngày đều đến xã Quới Thiện mua lá cau.

Khi trồng dưới tán xoài cũng có nhiều cái lợi: thứ nhất là khi tưới thuốc dưỡng xoài, phần thuốc rớt xuống thì cây cau hưởng. Mỗi tháng rải phân cho cau thì cây xoài cũng hưởng, vì vậy tuy bón phân cho cau thì cũng như bón phân cho xoài”- ông Năm tự tin khoe. Ông Năm cho biết thêm, ở 2 ấp Rạch Vọp và Rạch Sâu có khoảng 50% hộ dân trồng cau vàng. Nhiều như vậy là do nông dân ở đây cũng chuyên trồng xoài, nên trồng xen. Lúc đầu ai cũng nghĩ là nguồn thu phụ, nhưng dần dần lại là nguồn thu đáng kể.

Kế bên vườn ông Năm Thu là vườn của ông Trần Văn Út đang cắt lá cau. Ông Út cho biết, trong 5 công xoài mỗi tháng ông cắt được trên 20.000 lá cau, bán trên 10 triệu đồng. Đợt này ông cắt được 27.000 lá bán trên 13 triệu đồng. Ngoài ra, ông bán lá phát tài, lá đinh lăng, thuốc vũ... cũng trên 1 triệu đồng. “Tui vậy cũng chưa nhiều lắm, gần đây là ông Nguyễn Văn Hường (Ba Hường) có tới 7- 8 công xoài trồng xen cau, mỗi tháng bán lá cau khoảng 25 triệu đồng. Bà Huỳnh Thị Bông có 5 công mỗi đợt cũng trên 10 triệu. Ông Trần Văn Lin có 11 công, mỗi tháng cũng trên 25 triệu đồng”- Ông Út cho biết.

Về cách trồng và chăm sóc, ông Năm Thu cho biết: “Cây cau này rất dễ trồng. Cứ trồng khoảng 4 tấc 1 bụi. Bón phân tổng hợp, chỉ rải giống như lúa vậy. Cây cau không bị bệnh, chỉ sợ cào cào ăn lá thôi. Mỗi tháng cứ cắt lá là lại rải phân cho cau mau ra lá, chỉ có vậy, không tốn thêm khoản nào. Những cây quá cao, già thì đốn, phần gốc còn lại tiếp tục ra nhánh khác. Cứ vậy, chỉ trồng 1 lần mà ăn hoài”.

Chị Trang- người đang cắt lá cau của ông Út cho biết, ngày nào chị cũng đi cắt lá cau. Mỗi ngày mua vài chục ngàn lá. Lá cau được chở qua Chợ Lách giao lại cho vựa chở đi bán cả trong và ngoài nước. Hiện nhu cầu về lá cau vàng rất cao, mỗi ngày cắt bao nhiêu vựa cũng thu hết.

Khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ cũng ngày càng cao và đa dạng cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng như nhu cầu giao tiếp thông qua việc tặng hoa (lẵng hoa, tràng hoa...) từ đó cũng tạo cho nông dân thêm cơ hội mới trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU