Rầy nâu tấn công lúa Đông Xuân

Cập nhật, 13:40, Thứ Tư, 28/12/2016 (GMT+7)

Vụ lúa Đông Xuân, huyện Tam Bình xuống giống 15.172ha, đạt 99,81% kế hoạch. Tính đến 26/12/2016, lúa đang giai đoạn mạ là 141ha, giai đoạn đẻ nhánh 13.393ha, giai đoạn đòng trổ 1.088ha và giai đoạn chín 550ha.

Do lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh và nông dân bón thừa phân đạm làm cho tán lá xanh non chèn kín tạo điều kiện cho rầy nâu tấn công gây hại. Rầy nâu đang ở tuổi 1- 3.

Dự báo rầy tiếp tục nở rộ và gây hại nặng trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ với mật số 1.500- 3.000 con/m2, có nơi lên đến 5.000 con/m2.

Các giống lúa bị nhiễm rầy nâu như: OM 4900; OM 7347; RVT; IR 50404,… Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân khi phát hiện rầy nâu 2- 3 con/tép nên đưa nước vào ruộng và phun thuốc đặc trị rầy nâu. Không nên phun nhiều loại thuốc và kết hợp phân bón lá.

Sử dụng các loại thuốc đặc trị rầy nâu: Actara 25WG; Butyl 10 WP; Butyl 40 WDG; Chess 50 WG; Applaud 10 WP...

Đối với bệnh cháy lá (đạo ôn lá) xuất hiện rải rác trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ có nơi chiếm 5- 20% do nông dân bón thừa phân đạm giai đoạn 20- 22 ngày sau sạ và áp dụng phương pháp xuống giống nước- khô xen kẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Bà con nông dân nên sử dụng các loại thuốc như: Beam 75 WP; Trizole 75 WDG; Filia 525 SE; Bump 650 WP; Nativo 750 WG…

Đối với sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện rải rác ở một vài nơi với mật số trung bình 5- 15 con/m2 trên trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đòng trổ. Các loại thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ được ngành nông nghiệp khuyến cáo sử dụng: Angun 5 WDG; Ammate 150 SC; Indosuper 150 SC; Ematin 1,9 EC...

LÊ SÁU (Tam Bình)