Vì sao Tiền Giang chưa khuyến khích người dân trồng thanh long?

Cập nhật, 07:51, Thứ Hai, 26/09/2016 (GMT+7)

Chính quyền địa phương nhận thấy cây thanh long chưa có đầu ra ổn định giá cả bấp bênh nên không khuyến khích nhân rộng.

Nông dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang chuyển từ đất trồng dứa sang trồng cây thanh long.
Nông dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang chuyển từ đất trồng dứa sang trồng cây thanh long.

Do hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay, nông dân vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích trồng cây thanh long dưới chân ruộng đến hàng trăm ha.

Đa phần số thanh long bà con chọn trồng là loại ruột đỏ. Cá biệt, có nhiều hộ phá bỏ ruộng khóm (dứa) để trồng cây thanh long. 

Dù năng suất của cây thanh long vùng này đạt khoảng 20 tấn/ha, nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình. Nguyên nhân, do giá trái thanh long gần đây dao động bất thường, phát sinh nhiều loại bệnh và đất đai vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn độ phèn cao.

Phân tích thêm về việc chưa khuyến khích trồng thanh long, ông Dương Quốc Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, thanh long giá lúc lên lúc xuống trong khi đa số người thấy cây nào kinh tế cao đã vội vàng đầu tư.

“Địa phương rất lo ngại về đầu ra của loại cây này. Trong thời gian qua, chính quyền xã đã vận động nông dân chọn cây trồng có giá trị kinh tế thiết thực. Riêng cây thanh long hiện còn mơ hồ về giá cả nên xã không khuyến khích nhân rộng cây thanh long, xét thực tế thì cây khóm vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Giang lý giải.

Theo Nhật Trường (VOV.VN)