"Lên đời" cho nông sản

Cập nhật, 14:19, Thứ Ba, 27/09/2016 (GMT+7)

 

Nông sản an toàn là xu thế tất yếu nhà vườn cần thực hiện.
Nông sản an toàn là xu thế tất yếu nhà vườn cần thực hiện.

Biết là đầy khó khăn, nhưng nông sản đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là xu thế phải hướng tới. Xác định điều này, thời gian qua ngành nông nghiệp đã “lên đời” cho hàng loạt nông sản nhằm “tạo lòng tin” cho doanh nghiệp.

Tính từ năm 2013 đến nay, có hàng chục nông sản như: chôm chôm, xoài xiêm núm, xoài cát chu, nhãn tiêu da bò,… đạt các tiêu chuẩn an toàn. Nông dân dần biết cách chấp nhận khó khăn trong hiện tại để hy vọng ngày mai.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu cây bắp nếp” tại xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) với 45 hộ nông dân tham gia và thành lập tổ hợp tác. Kết quả, sau 2 tháng triển khai thực hiện, mỗi hecta đã mang về lợi nhuận khoảng 39 triệu đồng, cao gấp 2 lần trồng lúa.

Anh Nguyễn Văn Miền (ấp Gò Chanh, xã Vĩnh Xuân) chuyển đổi 3 công trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp cho biết các hộ tham gia rất phấn khởi. Cánh đồng mẫu bắp nếp đã giúp bà con nơi đây thay đổi tập quán độc canh cây lúa; tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp- PTNT, tổ hợp tác sản xuất theo nhiều tiêu chí an toàn và nhanh chóng đạt chứng nhận VietGAP. Chứng nhận này còn mở ra nhiều những cơ hội cho bà con tham gia.

Anh Miền cho biết, nhiều công ty ở Cần Thơ đến đặt vấn đề thu mua sản phẩm, tuy nhiên sản lượng hạn chế nên tổ hợp tác chưa dám ký hợp đồng.

Trong khi đó, tại xã Tân Phú (Tam Bình), từ năm 2013, địa phương đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất xoài tứ quý với 8 thành viên/5,7ha.

Ông Nguyễn Hoàng Long tham gia sản xuất xoài tứ quý cho biết, an toàn là tiêu chí bắt buộc người trồng phải thực hiện. Phun xịt thuốc phải trang bị bảo hộ lao động, có kho chứa vật tư riêng, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Hiện, xoài của hợp tác xã được nhiều thị trường ở TP Hồ Chí Minh thu mua số lượng lớn, giá cả cao hơn các loại xoài sản xuất thông thường.

Theo Trung tâm Khuyến nông, các mô hình sản xuất sạch đã tác động tích cực đến nông dân. Qua khuyến cáo, nhà vườn thực hiện khá tốt các yêu cầu kỹ thuật như: tỉa cành tạo tán; trồng thưa đã hạn chế sâu bệnh; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;... Các mô hình còn giúp nông dân quản lý ruộng vườn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Xoài tứ quý Tam Bình hiện được nhiều thị trường ưa chuộng.
Xoài tứ quý Tam Bình hiện được nhiều thị trường ưa chuộng.

Nhiều địa phương còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp và bao tiêu nông sản. Cụ thể, Vũng Liêm liên kết với Công ty TNHH KTC Việt Nam thực hiện dự án trồng 47,56ha xoài xiêm núm theo hướng VietGAP tại xã Trung Chánh, Quới An; Bình Tân liên kết với Công ty Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu sản phẩm ổn định cho mô hình gần 10ha cây đậu bắp xanh sản xuất theo hướng VietGAP ở xã Tân Bình…

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Long cũng đã thẩm định vùng trồng, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận code xuất khẩu nông sản chủ lực cho vùng sản xuất nhãn tiêu da bò ở xã Tân Hạnh, vùng sản xuất nhãn Idor ở xã Hòa Ninh, An Bình, vùng sản xuất chôm chôm Java xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), vùng sản xuất xoài xiêm núm xã Quới An, Trung Chánh (Vũng Liêm) sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc. 

Đáng mừng hơn là các tiêu chí sản xuất an toàn sau khi phát động đều được phần lớn nông dân tự nguyện tham gia. Mỗi nông dân đã có trách nhiệm hơn với từng bụi hành, cọng rau, củ khoai… của mình khi bán ra thị trường, dù ở bất cứ nơi đâu.

Điều đó thực sự là bước đột phá mới trong cách nghĩ, cách làm của từng nhà vườn. Dĩ nhiên, sẽ không ít chông gai nhưng điều đó đang thúc đẩy nông sản có bước đột phá mới, thâm nhập vào những thị trường mà trước nay tưởng chừng không thể!

  • ™Bài, ảnh: HOÀNG MINH