Làm nông nghiệp ở đô thị

Cập nhật, 08:29, Thứ Tư, 30/03/2016 (GMT+7)

Tận dụng diện tích trồng rau, hoa lan, nuôi thỏ, rắn ri voi… là những mô hình nông nghiệp đô thị đang được nhiều nông dân TP Vĩnh Long lựa chọn- khi mà đất đô thị ngày càng hẹp dần. “Cái khó” là những mô hình này không chỉ “làm phong phú bữa ăn gia đình” mà còn phải đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng lan cắt cành ở Phường 9 (TP Vĩnh Long).
Mô hình trồng lan cắt cành ở Phường 9 (TP Vĩnh Long).

Rau sạch tại nhà vừa tiện vừa lợi

Không lạ khi hiện nay dễ dàng bắt gặp những khóm rau xanh mướt bên hông hay phía sau nhà ở những khu chung cư trong TP Vĩnh Long. Thực trạng rau củ quả sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều người lo lắng.

Do đó, những năm gần đây, nhiều người dân đô thị thường cố gắng dành “khoảnh đất nhỏ trồng rau” ven nhà để luôn có rau sạch cho bữa ăn gia đình.

Sau khi mua một khu đất ở khu chung cư Phường 3, anh Nguyễn Minh Thuận đã dành hơn 10m2 sau nhà trồng rau sạch. Để tiện lợi chăm sóc cũng như trồng được nhiều loại, anh phân ra nhiều ô nhỏ, mỗi ô trồng trồng một loại rau. Do không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật nên rau rất sạch.

Anh Thuận cho biết, khâu chăm sóc cũng không mất nhiều thời gian, ngày chỉ cần tưới nước 2 lần, vào lúc sáng sớm và chiều sau khi làm về. Các loại cây được luân phiên gieo trồng và thu hoạch nên bữa ăn gia đình thêm phong phú.

Căn nhà nhỏ lọt thỏm trong khu chung cư nhưng những mớ rau muống, cải xanh tươi từ “vườn rau mi ni” luôn sẵn sàng phục vụ gia đình. “Thời điểm thu hoạch được nhiều, ngoài để ăn tôi còn cho anh em, bạn bè. Trồng được rau sạch ở ngay trong thành phố vừa vui vừa tiện lợi, tôi nghĩ ai cũng thích”- anh Thuận nói.

Hiện nhiều gia đình lân cận đó cũng tận dụng không gian nhỏ như ban công, hông nhà để tự trồng nguồn rau xanh, sạch, an toàn cho gia đình.

Theo Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, từ nhiều năm qua được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm đã thực hiện mô hình trồng rau sạch tại hộ gia đình ở các phường: 3, 4, 9 và xã Trường An, giúp người dân có thể tự tạo ra một vườn rau sạch ở nhà mình thật dễ dàng.

Ưu điểm của mô hình là trồng rau trên đất không bị ô nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật có hại. Người trồng có thể tiết kiệm tối đa tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun tưới.

Vùng ven làm nông nghiệp

Thời gian qua, Sở Khoa học- Công nghệ cũng triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị như trồng giá đỗ, nấm bào ngư.
Thời gian qua, Sở Khoa học- Công nghệ cũng triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị như trồng giá đỗ, nấm bào ngư.

Khoảng từ năm 2007, khái niệm “nông nghiệp đô thị” bắt đầu xuất hiện. Theo đó, không chỉ tại những vùng nội ô và cả những vùng ven thành phố, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đã hình thành.

Giải pháp mà ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích người dân thực hiện là sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại, tạo ra nông sản an toàn, nhất là không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị như: trồng hoa lan, rau mầm, kim thanh mai, măng tây xanh; nuôi các loại ếch, ba ba, rắn ri voi,… Theo đánh giá, đây là những mô hình rất có hiệu quả kinh tế và phù hợp với môi trường đô thị. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình trồng hoa lan cắt cành, bởi lợi nhuận cao và đầu ra ổn định.

Chú Trương Văn Ân (Khóm 3- Phường 9) cho biết, khoảng từ năm 2007, mới có vài hộ trồng lan, thị trường tiêu thụ hẹp. Nhưng đến nay, đã tăng lên mấy chục hộ với khoảng vài chục ngàn gốc lan các loại. Thị trường khá ổn định, phần lớn là các shop hoa tươi trong thành phố.

Lan được bán ra thị trường đa số là lan cắt cành (khoảng 800 đ/bông), còn lại là bán chậu. Theo chú Ân: “Trồng lan khá nặng vốn đầu tư nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao. Mê lắm, thường 2- 3 ngày cắt một đợt nhưng cũng có khi mỗi ngày mỗi cắt. Nhất là lúc sốt hàng, vườn này lại í ới gọi vườn kia chia sẻ”.

Còn tại Khóm 4 (Phường 5), nhiều hộ tận dụng chuồng trại nuôi heo trước đây thả nuôi ba ba, rắn ri voi. Tuy đòi hỏi cao về kỹ thuật, thời gian chăm sóc dài và chi phí đầu tư khá cao nhưng có thể cho lợi nhuận vài chục triệu đồng mỗi năm.

Trong nhịp độ phát triển đô thị thì việc lựa chọn phát triển mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp là một hướng đi tất yếu, góp phần đáng kể trong việc làm đổi thay diện mạo đô thị, nâng cao đời sống của người dân.

Nếu tổ chức tốt việc sản xuất theo công nghệ sạch, nông nghiệp đô thị có thể tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống và an toàn, góp phần lớn vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị. Điều này càng trở nên có ý nghĩa thiết thực trong điều kiện hiện nay, khi yêu cầu về thực phẩm ngày càng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trồng lan cắt cành là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả nhất hiện nay. Ngoài nhu cầu về lan cắt cành tại các shop hoa, còn có nhu cầu không nhỏ về lan chậu từ các hộ gia đình. Tuy nhiên, cái khó của người trồng lan hiện nay là do nguồn giống chưa ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao nên khó cạnh tranh thị trường mới.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH