Gạo Việt thua Lào, Campuchia, chỉ xuất đi... Trung Quốc

Cập nhật, 17:44, Thứ Hai, 28/03/2016 (GMT+7)

Xuất khẩu mạnh, gạo Việt từng được gọi là nồi cơm châu Á, nhưng nhắc đến gạo Việt Nam khách hàng vẫn nghĩ là gạo cấp thấp, hổ lốn. Gạo mua bán qua thương lái và không thể truy nguyên xuất xứ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm đã có tín hiệu khả quan, là đà để tiếp tục trong những quý tới. Tuy nhiên, điều ông Hải lo ngại nhất là chất lượng và định vị cho thương hiệu gạo Việt Nam. Ngoài Thái Lan, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Campuchia, Myanmal.

Được biết, năm 2015 gạo Việt Nam chiếm trên 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc nhưng tại các siêu thị, cửa hàng lại không tìm ra gạo mang thương hiệu Việt. Trong khi đó, gạo Campuchia lại chiễm chệ trên các quầy hàng. Gần 30 năm xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới. Cùng đó, chè, cà phê, hạt tiêu... là những mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhưng vị thế cũng tương tự.

Còn GS.Võ Tòng Xuân cũng thẳng thắn nhận xét, hiện nay gạo Việt Nam đang thua Lào, Campuchia về chất lượng và giá cả.

“Campuchia dùng giống lúa mùa, 1ha thu được 1,5-2 tấn gạo. Còn mình 1ha trồng 2 vụ nên có thể đạt 8 tấn gạo nhưng mình thua họ về giá bán. Họ bán 900 USD/tấn gạo, còn mình bán chỉ 500 USD/tấn gạo”, GS. Võ Tòng Xuân nói.

Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung vào phân đoạn gạo cấp thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung nhanh vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Xuân, gạo Việt mập mờ trên thị trường Trung Quốc vì bán theo đường tiểu ngạch. Các doanh nghiệp được quyền xuất khẩu thường mua qua thương lái và không thể truy nguyên xuất xứ. Thương lái thu gom từ nhiều nơi, nhiều loại giống, đem đi chế biến, xuất khẩu nên gạo Việt Nam xuất đi pha tạp, không có tên, không có thương hiệu, không dám nói đây là loại gạo gì.

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (TPHCM) cho rằng gạo Việt Nam mập mờ trên thị trường do cách làm của chúng ta bấy lâu nay.

“Khi các thương lái thu mua gạo, mua chỗ này một ít, chỗ kia một ít cho nên gạo lẫn lộn nhau. Gạo bán đi chỉ có biết đó là gạo tẻ Việt Nam. Hơn nữa, khi xuất sang Trung Quốc lại xuất theo đường tiểu ngạch là chính, như thế thì làm sao mà có thương hiệu”, ông Khải nói.

Theo ông Khải, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhà nước nên khá thụ động, chủ yếu xuất các loại gạo tẻ có chất lượng thấp.

Ông cho rằng, nếu cứ cách làm như hiện nay, người nông dân với 5-7 công đất nhỏ lẻ thì không thể làm thương hiệu được. Muốn có thương hiệu phải xây chuỗi giá trị, từ trang trại đến bàn ăn, phải có hai yếu tố là nông dân lớn và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đóng vai trò nhạc trưởng, tổ chức lại sản xuất của nông dân.

“Chẳng hạn doanh nghiệp có thể cung cấp giống, ký hợp đồng với nông dân, yêu cầu nông dân thực hiện đúng quy trình, đảm bảo năng suất, chất lượng. Sau đó đóng nhãn, ghi xuất xứ ở đâu, công ty nào, vùng nào, tên gạo gì chứ không thể nói chung chung là gạo tẻ Việt Nam”, ông Khải khuyến cáo.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng Việt Nam cần học Campuchia về làm thương hiệu.

Có thể phân ra thành 3 loại như: giống lúa thơm, giống ngắn ngày, giống phổ biến năng suất cao. Khi xếp loại rồi giao cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp lập ra vùng nguyên liệu, chế biến.

“Làm được như vậy mới có thương hiệu. Phải truy xuất nguồn gốc của ông nào, vùng nào, làm như thế người ta mới chấp nhận chứ không thể làm bát nháo như hiện nay được”, ông Xuân nói.

Còn ông Vũ Trọng Khải cho rằng, doanh nghiệp phải xác định thị trường của mình, ví dụ thị trường trong nước, có bao nhiêu người thu nhập trung bình, cần loại gạo nào, vừa túi tiền của họ. Còn tầng lớp thượng lưu thì đáp ứng loại gạo nào, xem họ thích cái gì và tất cả đều phải đảm bảo thực phẩm an toàn.

“Vấn đề không phải là cứ có chất lượng cao mới có thương hiệu, mà có cả thương hiệu cho gạo thường. Thương hiệu không đơn giản là cái tên nhưng trước hết phải chúng ta phải khai sinh cho nó. Cái tên đấy phải có uy tín, đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng. Còn bây giờ nhắc đến gạo Việt Nam họ vẫn nghĩ là gạo cấp thấp, hổ lốn”, ông Khải nhận xét.

Trong bối cảnh hội nhập, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho rằng, nếu doanh nghiệp không thay đổi thì có thể đánh mất cả thị trường trong nước, gạo Thái Lan, Campuchia có thể xâm nhập vào thị trường.

“Hiện nay chúng ta vẫn dựa nhiều vào thị trường có hợp đồng tập trung mua với số lượng lớn điển hình là Indonesia và Philippin và 1 phần của Malaysia nhưng về lâu dài phải tìm kiếm những thị trường có hợp đồng thương mại, cạnh tranh thực sự bằng chất lượng, thương hiệu thực sự chứ không phải dựa trên những hợp đồng có sự bảo lãnh của chính phủ”, ông Hải khuyến cáo.

Theo Infonet