Ước mơ vươn tới nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật, 11:38, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Nông nghiệp công nghệ cao chắc hẳn là cụm từ không còn xa lạ, đặc biệt trong các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các tỉnh - thành ĐBSCL- được xem là “vựa” nông- thủy- hải sản của cả nước.

Nông nghiệp công nghệ cao như là một hướng đi tất yếu, trở thành ước mơ vươn tới với ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo chuỗi giá trị hàng hóa nông sản và mục tiêu lớn lao giúp người nông dân làm giàu. Nông nghiệp công nghệ cao liệu có vươn tới được không?

Tại Lâm Đồng, các công nghệ tiên tiến được áp dụng phổ biến trong sản xuất.
Tại Lâm Đồng, các công nghệ tiên tiến được áp dụng phổ biến trong sản xuất.

Lên Lâm Đồng xem… nông nghiệp công nghệ cao

Lâm Đồng được ví như thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao với hàng ngàn doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

 

Bên trong khu trang trại nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu.
Bên trong khu trang trại nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu.

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng 25-30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so doanh thu. Nông nghiệp chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trong khi giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác của toàn tỉnh năm 2014 là 130 triệu đồng/ha, thì diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao doanh thu đạt gấp hơn 2 lần, như sản xuất rau cao cấp 450- 500 triệu/ha, hoa cao cấp 800 triệu- 1,2 tỷ đồng/ha.

Theo chân anh Nguyễn Văn Danh- Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng) tới làng hoa, rau nổi tiếng Thái Phiên và ghé “thăm” rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Phường 12- TP Đà Lạt) là 1 trong 8 đơn vị đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”.

Hiện sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều nhà hàng, khách sạn trong cả nước và góp mặt trong nhiều hệ thống siêu thị. Khi nghe ông Mai Văn Khẩn- Giám đốc hợp tác xã, giới thiệu các loại rau đều được trồng theo tiêu chuẩn an toàn và VietGAP, có người đã vội cầm cành xà lách nhai ngấu nghiến.

Theo ông Khẩn, với 40ha hợp tác xã cung ứng trên 15.000 tấn sản phẩm/năm, gồm hơn 30 mặt hàng rau củ, quả các loại, được tổ chức kiểm tra chất lượng định kỳ, có hệ thống truy nguyên nguồn gốc và xuất xứ của từng loại sản phẩm rõ ràng từ người tiêu dùng đến từng thửa ruộng.

Còn khi bước vào nhà kính trồng cà chua, dưa leo, ớt chuông của Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), ai cũng muốn “cắn một cái” trái dưa leo xanh bóng, hay từng chùm cà chua trĩu nhánh.

Ông Võ Thành Sang- Giám đốc Trung tâm, cho biết tất cả được trồng theo công nghệ cao của Israel, hệ thống tự động điều hòa ánh sáng, nhiệt độ, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động… Tất cả đã được “số hóa” từng hàng cây, khu nhà kính nhằm theo dõi, kiểm soát quá trình sinh trưởng, cũng như theo dõi lượng phân thuốc cần cung cấp cho cây.

Bên cạnh, đã “số hóa” nhiều loại cây trồng thực nghiệm để tiện theo dõi, chọn lọc các giống loài phù hợp, để bình tuyển những “mã số” đạt yêu cầu đưa ra nhân giống và liên kết với nông dân xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Sản xuất an toàn, sản xuất khép kín và sản xuất liên kết là 3 điều kiện làm ăn mới để ổn định và phát triển trong thị trường nông sản cạnh tranh, mà chúng tôi được ông Nguyễn Hồng Phong- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại- Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng- Lâm Đồng) đúc kết.

Theo ông Phong, nông nghiệp công nghệ cao có thể hiểu là các quy trình sản xuất được ứng dụng kỹ thuật, như nhà màng quản lý độ ẩm, nhà lưới quản lý côn trùng, màng phủ hạn chế cỏ, tiết kiệm nước… để cho ra sản phẩm an toàn nhưng ít có sự can thiệp của phân thuốc; là quản lý đầu ra sản phẩm nhằm hạn chế tối đa các khâu trung gian. Hiện đã được áp dụng với 110ha, trong đó hơn 70ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với gần 30 hộ nông dân sản xuất ổn định, góp phần đưa doanh số công ty tăng 20%/năm, từ 50 tỷ năm 2012 dự kiến lên 100 tỷ năm 2015.

Tại Lâm Đồng, các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, tưới, quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất. Hiệu quả không chỉ tính trên đơn vị đo đạc là hecta hay sào mà có nơi tính bằng mét vuông khi được ứng dụng công nghệ cao như các mô hình trồng dâu tây, lan hồ điệp…

Thật vậy, chúng tôi mê mệt giữa trang trại hoa lan vũ nữ vàng rực rỡ của Công ty TNHH Hoa Mặt Trời (huyện Đức Trọng), đến nay đã có hàng ngàn cành hoa lan vũ nữ xuất sang Nhật Bản bằng đường biển hoặc đường hàng không, đem về hàng tỷ đồng. Giá “vũ nữ” khi tới Nhật Bản sẽ được quyết định bởi sàn đấu giá nước này.

Những cánh én báo hiệu mùa xuân

Hơn 10 năm thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, cho biết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành vùng tập trung chuyên canh quy mô lớn tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận với trên 43.000ha và diện tích này tập trung hầu hết ở các nông hộ.

Tư duy đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đất bazan này.

Sản phẩm hoàn thành của Công ty Phong Thúy.
Sản phẩm hoàn thành của Công ty Phong Thúy.

Đó là hướng đi mơ ước mà nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đang hướng tới. Đến nay, nông nghiệp công nghệ cao đã manh nha hình thành ở một số địa phương, đáng chú ý là dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình- Bạc Liêu) đã triển khai giai đoạn 1, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm theo mô hình khép kín, công nghệ cao với khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”.

Không chỉ đầu tư và ứng dụng các công nghệ “phần mềm” quản lý chương trình tôm bố mẹ, đến con giống, thức ăn, quy trình nuôi và chế biến xuất khẩu theo quy chuẩn của Tập đoàn Việt- Úc, mà “phần cứng” cũng… rất công nghệ cao: nhà kính màng của Israel, hệ thống lọc nước của Mỹ.

Ông Dương Đức Trọng- Phó Giám đốc công ty cho biết dự án gồm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng trên diện tích 50ha, lứa tôm đầu tiên đã thu hoạch vào tháng 7/2015.

Đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, sau 3,5 tháng thả giống với mật độ 200- 500 con/m2, tôm nuôi trong 70 ao đều phát triển tốt, đạt hiệu quả 100%. Kết quả, năng suất đạt 2- 4 tấn/ao, tương đương 40- 80 tấn/ha/vụ, 120- 240 tấn/ha/năm.

Cà chua “siêu” trái.
Cà chua “siêu” trái.

Đợt thu hoạch tôm đầu tiên, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát đã nhận định:

“Mô hình đã giới thiệu công nghệ nuôi với trình độ cao, cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn, quản lý tốt hơn dịch bệnh nên không chỉ cho năng suất cao, mà còn đảm bảo vấn đề chất lượng tôm, an toàn thực phẩm. Đó là điều cần thiết để cạnh tranh trên thị trường”.

Đó như cánh én báo hiệu mùa xuân, gợi mở trong nền kinh tế thị trường phát triển, để nền nông nghiệp phát triển không thể thiếu những nhà doanh nghiệp lớn với lực lượng hùng hậu.

Hiện rất nhiều dự án mời gọi đầu tư ở các tỉnh-thành ĐBSCL ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và gần đây doanh nghiệp nước ngoài cũng đặc biệt chú ý đầu tư lĩnh vực này.

Và trang trại “bạc tỷ” trồng hoa lan vũ nữ của Hoa Mặt Trời.
Và trang trại “bạc tỷ” trồng hoa lan vũ nữ của Hoa Mặt Trời.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế: Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn nữa những Hiệp định thương mại tự do, trong đó, có các Hiệp định thương mại tự do đẳng cấp cao có nhiều lợi ích dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, như TPP.

Khi tiếp cận thị trường thế giới gắn với công nghệ cao, chúng ta mới biết rằng, với lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới của Việt Nam, nếu có sự yểm trợ của công nghệ trên cơ sở doanh nghiệp tham gia vào sẽ mang lại lợi nhuận cao.

 

Lâm Đồng hiện có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”: Công ty CP Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH AgriVINA, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Hoàng. Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp chưa được công nhận, như Lang Biang Farm, Organik Đà Lạt, Hoa Mặt Trời… và doanh nghiệp FDI như Lacue (Nhật Bản), KBIL VINA (Hàn Quốc)… đã đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến cho doanh thu rất cao từ 1- 3 tỷ đồng/ha.

Bài, ảnh: LÊ LAN THẢO