Tái cơ cấu nông nghiệp-cần lắm đầu ra cho nông sản

Cập nhật, 07:21, Thứ Ba, 08/12/2015 (GMT+7)

Tại hội nghị tổng kết thực hiện đề án tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp năm 2015, triển khai kế hoạch 2016, nhiều địa phương cho rằng, TCC nông nghiệp diễn ra chậm và chưa bền vững nguyên nhân cốt lõi do đầu ra nông sản còn bấp bênh, nên nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch.

Cánh đồng mẫu lớn thiếu những hợp đồng thu mua chặt chẽ.
Cánh đồng mẫu lớn thiếu những hợp đồng thu mua chặt chẽ.

Cơ cấu giảm lúa, tăng màu: không đạt

Nhận định chung của Sở Nông nghiệp- PTNT, TCC nông nghiệp thời gian qua đúng hướng. Giá trị sản xuất toàn ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản cả năm 2015 ước tăng 2%.

Trong đó, trồng trọt tăng mức ổn định 0,73%, chăn nuôi, thủy sản tăng trưởng khá từ 4,6- 4,9%/năm. Tuy nhiên, cơ cấu giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng màu không đạt mục tiêu. Cụ thể, lúa cả năm đạt trên 180.000ha, tăng hơn 200ha, màu đạt gần 47.000ha, giảm trên 800ha.

Trong khi đó, đầu ra nông- thủy sản vẫn là khó khăn làm tiến độ thực hiện TCC diễn ra chậm.

Ông Hồ Công Nguyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm dẫn chứng mô hình chuyển đổi lúa sang trồng bắp lai diện tích 10ha tại địa phương. Đầu vụ đã hợp đồng với 1 doanh nghiệp ở Cần Thơ đồng ý thu mua nhưng đến thu hoạch doanh nghiệp bẻ kèo, nông dân chán nản không tiếp tục thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- Lê Văn Phúc cho rằng, muốn thực hiện TCC thành công phải tổ chức tiêu thụ nông sản ổn định. Chi phí quá cao do sản xuất thủ công cũng là khó khăn mà nông dân trồng khoai lang gặp phải.

Ông Lê Văn Phúc cho biết, vốn sản xuất 1ha khoai hiện lên tới 150 triệu đồng. Trong khi năng suất khoai lang tím Nhật chỉ 30 tạ/công, giá bán ra 5.000 đ/kg. Nếu bán khoai dưới giá này thì nông dân lỗ. Tuy nhiên, năm nay có thời điểm chỉ dưới 100.000 đ/tạ nên rất nhiều nông dân đổ nợ.

Đánh giá chung tiến độ TCC nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ- Nguyễn Trọng Danh cho rằng, báo cáo cho rằng cá tra phát triển ổn định, xu thế phục hồi, nhưng thực tế giá bán dưới giá thành, doanh nghiệp lao đao.

“Còn cây nhãn cho rằng đã khôi phục, tôi cho rằng thực tế nông dân đốn gần hết chuyển sang cây trồng khác. Hay dù phục hồi cũng chỉ khu vực hạn chế chứ không phải diện rộng. Tôi cho rằng chuyển đổi giống, cây trồng là phù hợp.”- ông Nguyễn Trọng Danh đề xuất.

 

 

Ông Phan Anh Vũ cho biết, hiện một số nước đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp ở ĐBSCL mà cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đây là thuận lợi nhưng cũng là thách thức. Bởi chúng ta sẽ tiếp cận công nghệ tiến bộ, còn nếu không chú trọng tự phát triển, khi vào đây, họ sẽ mướn nông dân mình làm công, dù thu nhập khá hơn nhưng xét cho cùng sản phẩm chất lượng họ sẽ mang về nước tiêu thụ, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

“Bẻ kèo” xảy ra

Để có sự liên kết “2 nhà” chặt chẽ trong tiêu thụ nông sản ổn định không chỉ vai trò của doanh nghiệp mà còn nông dân. Bởi, theo nhiều địa phương thực tế thời gian qua không ít trường hợp nông dân bẻ kèo khi giá cả nông sản ngoài thị trường cao hơn hợp đồng với doanh nghiệp.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT nêu cụ thể trường hợp mua bán hành lá ở Bình Tân, khi hợp đồng “2 nhà” xong hết, nhưng khi tư thương nâng giá, nông dân bẻ kèo không chịu bán theo hợp đồng.

“Trường hợp này vẫn thường xảy ra phổ biến trên lúa, mà gần đây chúng tôi thực hiện trên xoài xiêm núm cũng vậy. Bất cập khác, là nhiều doanh nghiệp rất mừng khi tìm mua được nông sản ưng ý ở các hợp tác xã nhưng khi đặt hàng hợp tác xã lại chịu thua do không thực hiện tốt các tiêu chí mà doanh nghiệp đặt ra.”- ông Phan Nhựt Ái nói.

Bà Huỳnh Chí Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình đề xuất, trước hết phải có quy hoạch thích nghi từng vùng, tổ chức lại sản xuất, Nhà nước cũng có thông tin sản phẩm trồng cây gì bán ở đâu.

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Mỹ Lộc được cho là điển hình trong sản xuất theo quy trình, bao tiêu sản phẩm, nhưng theo bà Huỳnh Chí Linh hiện đang gặp khó, bởi “có thời điểm doanh nghiệp không thu mua, ngược lại thời điểm giá lúa cao nông dân cũng bẻ kèo bán ra ngoài”.

Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án TCC nông nghiệp cho rằng, ngoài vai trò doanh nghiệp, nông dân, thì BCĐ các cấp là rất quan trọng trong việc vận động nông dân tham gia, tuyên truyền để họ hiểu rõ hơn ý nghĩa việc TCC nông nghiệp.

Thực tế, việc làm này còn thiếu quyết liệt. “Hôm rồi doanh nhân Trầm Bê có đề xuất Vĩnh Long nên thực hiện đề án nuôi bò. Họ hợp đồng thuê đất, lúc đầu nông dân đòi 30 triệu/ha/năm rồi nâng lên 35 triệu, họ vẫn chịu. Sau đó nông dân lại đòi 6 năm đầu 35 triệu đồng, rồi 6 năm sau 40 triệu. Họ vẫn chấp nhận, nông dân lại kỳ kèo xin cho sản xuất hết vụ Đông Xuân mới giao đất. Bữa nay vầy mai khác nên rất khó khăn.”- ông Phan Anh Vũ nêu dẫn chứng, đồng thời đề nghị các huyện cần tích cực vận động nông dân thực hiện đúng hợp đồng, hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn từng lĩnh vực đẩy nhanh tiến độ TCC nông nghiệp, đánh giá các mô hình TCC điểm các huyện để có hướng nhân rộng thời gian tới.

 

Ông Lê Văn Phúc cho rằng, trong TCC nông nghiệp cần phải thực hiện tốt quy hoạch, tiêu thụ phải định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu chứ không nên để tình trạng cứ thấp thỏm bán xong mới yên tâm.

Cũng theo ông Phúc, hiện địa phương nhờ một vài nơi làm môi giới chào hàng khoai lang tiêu thụ ở Nhật Bản, số lượng cũng hạn chế chỉ khoảng 2.000 tấn.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH