Hướng đi mới từ "đậu phộng"

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 01/12/2015 (GMT+7)

Anh Phạm Thành Nhơn (xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) cho rằng: dù làm bất cứ công việc nào, miễn mình cố gắng hết sức là sẽ đạt kết quả.

Nhờ tìm hiểu và áp dụng hệ thống tưới đa chiều mà vườn đậu phộng đạt năng suất cao hơn.
Nhờ tìm hiểu và áp dụng hệ thống tưới đa chiều mà vườn đậu phộng đạt năng suất cao hơn.

Chúng tôi đến xã Hiếu Nghĩa để tham quan mô hình trồng và chế biến đậu phộng của anh Nhơn ở ấp Hiếu Hậu. Ra rẫy đậu phộng xanh mướt mát, anh cho biết: Trước giờ đi dạy, chưa biết gì về nghề nông. Thế nhưng khi thấy mảnh đất bơm cát 1.500m2 của trường học bỏ trống, anh đã thuê. “Lúc đầu tôi nghĩ mình làm kinh tế để tìm thêm thu nhập thôi chứ chưa thật sự nghĩ đến đạt hiệu quả như thế nào”.

Anh lên Internet để tìm loại cây trồng phù hợp, hiệu quả. Qua thời gian nghiên cứu, anh thấy cây đậu phộng cho lợi nhuận cao lại phù hợp với đất cát, anh bắt đầu tìm mua giống đậu phộng về trồng. Mặc dù đã tìm hiểu trên mạng nhưng vụ đậu đầu tiên năng suất không đạt, chỉ được 450kg. Trừ chi phí phân thuốc, nhân công anh lãi chưa tới 2 triệu đồng.

Thế là anh lại bỏ công tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Phát hiện cây đậu phộng thích hợp tưới nước phun sương nên anh mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động đa chiều. Hệ thống này đã hạ chi phí sản xuất rất nhiều. Kết quả thu hoạch vụ thứ hai lợi nhuận trên 3,5 triệu.

Anh nói: “Lúc đó, tôi thấy phấn khởi lắm. Nhưng tôi nghĩ lợi nhuận có thể cao hơn và thế là tôi tham gia thêm các buổi tập huấn, tìm hiểu và sử dụng thêm các loại thuốc kích thích ra hoa, phát triển củ, ra rễ... Kết quả, vụ thứ ba thu lãi trên 10 triệu đồng”.

Thế nhưng những vụ sau đó, đậu phộng rớt giá. Bán rẻ thì uổng, không bán thì đậu lên mộng. Từ cái khó ló cái khôn, anh đã suy nghĩ làm thế nào để đảm bảo được giá đậu và không sợ đậu bị nảy mầm, bán không được.

“Lúc đó, trong đầu tôi cứ lởn vởn những câu hỏi: làm sao để bảo quản đậu được lâu hơn, làm sao để rang được hạt đậu còn nguyên vỏ, sản phẩm này bán cho ai? Qua nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã quyết định rang đậu phộng đem bán vì “không sợ bán giá rẻ mà lợi nhuận lại cao. Tính ra mỗi ký đậu phộng rang giá khoảng 45.000đ”- anh kể lại.

Anh tự mình thiết kế máy rang rồi xin giấy phép, đăng ký nhãn hiệu và tìm đầu mối tiêu thụ. Anh cho biết để có máy rang, anh đã phải suy nghĩ, vẽ bản thiết kế hơn nửa tháng. Sau 3 lần cải tiến thì máy rang mới hoàn thiện. “Sau đó, tôi lên TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu thì mỗi bếp rang có giá hơn 80 triệu đồng. Tính ra, mình đã tiết kiệm mấy chục triệu đồng rồi”- anh cười cho biết.

Anh nói thêm: Đây là giống đậu chắc hạt, vỏ mỏng nên rang chín ăn rất ngon, rất giòn, thơm, béo và ngọt. Nhờ vậy mà sản phẩm đậu phộng rang Thiên Ân được khách hàng ưa chuộng. Hiện lượng đậu trồng không đủ để tiêu thụ nên tôi phải đi tỉnh khác mua thêm mới đủ chế biến. Tính ra, từ việc trồng và sản xuất đậu phộng rang, anh thu trên 90 triệu đồng/năm.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5- 7 chị em. Đến mùa nhổ đậu, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh cho biết: Mặc dù mô hình chỉ mới bước đầu mang lại hiệu quả nhưng tôi sẽ cố gắng mở rộng diện tích trồng đến 1ha. Bên cạnh, cải tiến máy móc, công nghệ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm... “Với những kinh nghiệm có được, tôi muốn chia sẻ với mọi người cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới”- anh vui vẻ nói.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ