Có nên tiếp tục làm lúa vụ 3?

Cập nhật, 06:51, Thứ Ba, 13/08/2013 (GMT+7)

Trong điều kiện lúa, gạo rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” thì việc chuyển đổi lúa vụ 3 sang trồng cây trồng khác hiệu quả hơn là một giải pháp. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng ngoài lúa, gạo, thị trường hàng nông sản khác cũng… không dễ có đầu ra. Vì vậy, không nên nóng vội.


Nếu khâu thủy lợi không đảm bảo thì lúa vụ Thu Đông có thể bị ngập trong lũ, thất thoát nhiều mà chất lượng hạt lúa giảm.Ảnh: DƯƠNG THU

Lúa, gạo tồn kho lớn

“Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã mở rộng diện tích lúa. Nhiều nước từ chỗ không xuất khẩu gạo, nay cũng tham gia thị trường, còn những nước vốn phải nhập khẩu gạo cũng đã chủ động nguồn lương thực”- ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông, hiện cả Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… đều có lượng lúa, gạo tồn kho lớn. Trong đó, gạo tồn kho của Thái Lan dành cho xuất khẩu đã lên mức 17 triệu tấn, còn Ấn Độ cũng lên mức 36 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng trong nước chỉ khoảng 12- 14 triệu tấn.

Bên cạnh, nhiều quốc gia nhập khẩu gạo như: Myanmar, Campuchia, Indonesia... cũng đang đẩy mạnh sản xuất lúa cho nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu. Đặc biệt, trong vài năm tới, dự báo Myanmar sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo khi nước này đang có 8 triệu hecta đất trồng lúa và khả năng sẽ đưa thêm 3 triệu hecta nữa.

“Để giải quyết khó khăn, ngành nông nghiệp các địa phương cần phải xác định lại cơ cấu mùa vụ hợp lý, thực hiện chuyển đổi cây trồng. Với tình trạng dư thừa lúa gạo hiện nay thì chỉ nên khuyến cáo làm 2 vụ lúa.”- ông Trương Thanh Phong đề xuất.

Chuyển đổi phải ổn định tiêu thụ

Ông Nguyễn Phong Quang- Phó BCĐ Tây Nam Bộ đặt vấn đề: “Khi giá lúa bấp bênh thì có nên sản xuất 3 vụ/năm nữa hay không?

Nếu chỉ làm 2 vụ lúa thì 1 vụ còn lại sẽ chuyển đổi cây gì cho hợp lý, nhằm đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cho nông dân?” Định hướng trong việc chuyển đổi, ông Nguyễn Phong Quang cho rằng, không nên rập khuôn trong cơ cấu mùa vụ.

Đối với diện tích màu chuyển đổi thì nên tùy điều kiện từng địa phương, tính toán đầu ra cho hợp lý. Đối với những vùng sản xuất lúa nhất thiết phải nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, bắp lai và đậu nành là 2 cây trồng được xác định phù hợp để cung ứng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý việc tìm đầu ra.

Ông nói: “Thời gian qua, Viện Lúa đã khuyến khích triển khai rất nhiều mô hình sang trồng màu nhưng cũng xuất hiện tình trạng dư thừa, bán buôn ế ẩm. Nhiều bà con nông dân nói với tôi làm lúa vụ 3 lãi không nhiều nhưng dù sao cũng kiếm được chút đỉnh tiền để sống, để lo cho con ăn học”.


Chuyển đất lúa sang trồng cây khác tùy theo điều kiện từng địa phương.
Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đồng ý kiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng: Nếu nóng vội chuyển đổi, không có bước nghiên cứu kỹ e rằng sẽ gặp nhiều khó khăn việc tìm thị trường tiêu thụ.

Cây bắp lai có thể cho năng suất cao nhưng cây đậu nành năng suất thường thấp, có đáp ứng nhu cầu nguyên liệu. Trong khi đó, giá thành sản xuất trong nước quá cao, liệu doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi có chấp nhận thu mua hay lại quay về nhập khẩu?

Ông Trương Thanh Phong cho rằng, không nên sản xuất lúa vụ 3 (tức vụ Thu Đông). Bởi, hạt gạo chỉ có chất lượng cao sau vụ Đông Xuân, nhất là sản xuất lúa thơm.

Còn nếu giảm diện tích lúa chỉ nên khuyến cáo khu vực chưa có đê bao chống lũ để tránh thiệt hại. Bên cạnh, cần xem xét lại giống lúa sao cho phù hợp với thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Trong điều kiện nông dân làm lúa ngày càng bấp bênh, bởi giá cả xuống thấp thì việc chuyển đổi cây trồng là bước đi phù hợp trong cơ chế thị trường hiện nay.

Song, một vấn đề mới đặt ra sau khi chuyển đổi sản phẩm bán ở đâu, bán cho ai? Hay như băn khoăn của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Chuyển đổi là tất yếu nhưng không phải đất chỗ nào trồng lúa cũng có thể trồng bắp hay đậu được. Do đó, cần tiến hành khảo sát thổ nhưỡng trước khi khuyến cáo nông dân chuyển đổi để mang hiệu quả”.

Bố trí vùng trồng đậu nành

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang phối hợp với các địa phương rà soát và bố trí vùng trồng đậu nành thay thế đất lúa kém hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Đồng thời sẽ liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tăng diện tích trồng, đến năm 2020 sẽ xây dựng cánh đồng mẫu.


NGUYỄN HOÀNG