Cách phòng phòng trừ rầy nâu trên lúa hè thu

Cập nhật, 15:21, Thứ Hai, 08/07/2013 (GMT+7)

Rầy nâu xuất hiện gây hại trên trà lúa hè thu ở giai đoạn trên 1 tháng tuổi trở lên.

* 2 tác hại của rầy nâu

- Tác hại trực tiếp: Rầy cám và rầy trưởng thành đều chích hút nhựa lúa làm cây lúa khô chết hàng loạt (gọi là cháy rầy). Rầy nâu gia tăng mật số nhanh (bộc phát) gây hại nặng cho các ruộng lúa trồng giống nhiễm, sạ dày bón thừa phân đạm (N), phun thuốc trừ sâu cuốn lá giai đoạn đầu của cây lúa.

- Tác hại gián tiếp: Rầy nâu là môi giới truyền vi-rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa.

* Biện pháp phòng trị

- Áp dụng tốt quy trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện rầy nâu kịp thời (phải vạch gốc lúa để xem), nếu phát hiện trễ, việc phòng trị sẽ kém hiệu quả. Bón phân cân đối, đủ dưỡng chất: đạm, lân, kali và chất trung lượng, vi lượng cho lúa.

Nông dân xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi kiểm tra mật độ rầy nâu trên lúa hè thu. Ảnh: M.Đ

- Khi thấy rầy xuất hiện trên ruộng lúa với mật độ khoảng 3 - 4 con/danh lúa, thì tiến hành phun thuốc diệt trừ ngay:

+ Sử dụng thuốc sinh học: Omega, nấm xanh, thuốc trắng xanh; phòng trừ rầy nâu bằng thuốc vi sinh hiệu quả kéo dài, bảo vệ tốt nguồn thiên địch trên đồng ruộng, không làm rầy bộc phát ở các lứa tiếp theo, không ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, an toàn cho vật nuôi.

+ Phòng trừ bằng thuốc hóa học: Nếu rầy tuổi nhỏ thì phun thuốc Applaud 10WP, Map Judo 25WP, Applaud-Bas 27BTN, Applaud-Mipc 25BHN… Với mật độ rầy cao, rầy tuổi lớn thì sử dụng thuốc Bassa 50 EC, Chess 50WG, Hopsan…

Lượng bình nước thuốc phun 4 - 5 bình 16 lít cho 1 công lớn. Nếu mật độ rầy quá cao hoặc gói lứa, phải phun 2 - 3 lần cách nhau 5 - 7 ngày/lần. Nếu ruộng sạ dày phải vạch hàng phun kỹ ở gốc lúa nơi rầy trú ẩn, phun thuốc sớm khi rầy ở tuổi nhỏ (rầy cám). Nếu ruộng cạn nước, phải cho nước vào ruộng để rầy lên trên thì việc phun thuốc diệt trừ sẽ hiệu quả hơn.

* Chú ý

Liều lượng thuốc sử dụng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc và khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trong 1 vụ lúa; tránh việc sử dụng 1 - 2 loại thuốc liên tục sẽ dễ gây ra tình trạng rầy nâu kháng thuốc (lờn thuốc) và việc phòng trị kém hiệu quả.

Theo Bạc Liêu Online