Học sinh “lướt web” học làm lúa

Cập nhật, 09:46, Thứ Năm, 25/04/2013 (GMT+7)

Sáng sớm, Võ Thị Xuân Đào- học sinh lớp 8 Trường THCS thị trấn Trà Ôn tất tả ra đồng. Trên tay cầm bộ dụng cụ gồm đồng hồ đo nhiệt độ, bảng so màu lá lúa, thước dây, Đào đo tới đo lui, ghi chép tỉ mỉ, rồi bảo: “Em phải tranh thủ về trụ sở ấp để lên máy tính hỏi các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản xem vì sao lúa bị vàng lá”.

Đào là một trong số 15 học sinh tham gia vào dự án truyền đạt thông qua thanh thiếu niên- Yourth Medicated Communication (YMC) giai đoạn 2 do Chính phủ Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Việt Nam) tài trợ thực hiện trên một số ruộng lúa ở xã Thiện Mỹ (Trà Ôn), từ tháng 9/2012.

Em Thạch Nguyễn Tấn Tài (13 tuổi) đang đo chiều cao cây lúa. Ảnh: Nguyễn Chí Công

Làm lúa bằng công nghệ

15 học sinh được chọn tham gia dự án đều là con nhà nghèo. Để đảm bảo hiệu quả công việc, dự án hỗ trợ mỗi học sinh một bộ đồ nghề xinh xắn gồm: sổ ghi chép, thước đo, nhiệt kế, máy đo độ ẩm và điện thoại di động để tác nghiệp.

Mỗi ngày, các thành viên lớp học (chủ yếu học sinh từ lớp 7- 9 Trường THCS thị trấn Trà Ôn và THCS Thiện Mỹ) ra ruộng lúa nhà mình đo chiều cao cây lúa, màu lá lúa, chụp hình cây lúa, sâu bệnh phá hoại lúa, ghi chép nhiệt độ, độ ẩm và thời tiết gửi thông tin này lên hệ thống YMC.

Sau đó, chiều mỗi ngày các em sẽ đến trụ sở Ban nhân dân ấp Giồng Thanh Bạch- nơi lắp đặt sẵn máy tính để nhập thông tin và tải các hình ảnh đã chụp vào máy tính để chuyển cho các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản.

Khi nhận giải đáp, các em sẽ ghi vào sổ về đọc lại cho ba mẹ mình nghe để áp dụng phòng trị. “Không những được tiếp cận công nghệ tiên tiến, các em còn được các chuyên gia Nhật cho chơi những trò chơi dễ thương liên quan đến cây lúa ngay trên máy tính”- ông Nguyễn Chí Công- cán bộ văn hóa xã Thiện Mỹ, người trực tiếp quản lý lớp học nói.

Để không ảnh hưởng rào cản ngôn ngữ, các chuyên gia thuộc Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Đại học Kyoto, Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã tạo ra một hệ thống tự động chuyển ngữ Việt- Nhật dịch thật dễ hiểu, một mặt giúp các chuyên gia Nhật có thể hiểu những câu hỏi ngây thơ của bọn trẻ và ngược lại, bọn trẻ cũng có thể hiểu những hướng dẫn về chuyên môn một cách dễ dàng.

Ông Nguyễn Chí Công cho biết: Nhiều nông dân nghèo, trình độ thấp gặp khó khăn trong tiếp cận tài liệu hướng dẫn trồng trọt, còn hỏi trực tiếp chuyên gia để được hướng dẫn cũng không có điều kiện.

Vì vậy, mục tiêu của dự án là ngoài việc áp dụng các công nghệ thì các em học sinh còn làm cầu nối tuyên truyền cho cha mẹ các em những kiến thức nông nghiệp tiên tiến, cần thiết áp dụng vào sản xuất lúa, đảm bảo hiệu quả về năng suất, giá trị sản phẩm và giảm thiểu các nguy cơ sâu bệnh.

Ý tưởng khởi nguồn dự án này là cô Yumiko Mori, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Pangaea, khi cô và các thành viên đi thăm một làng quê ở Thái Lan để nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ thông tin ở Đông Nam Á.

Khi tiếp xúc với nông dân, cô nhận thấy rất nhiều người trong số đó không biết chữ hoặc gặp nhiều khó khăn trong đọc chữ nên không thể đọc các tài liệu khuyến nông. Trong khi đó, con cái của họ lại rất thích thú khi sử dụng máy tính và đọc văn bản trên máy tính.

Đại diện các chuyên gia Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cùng các học sinh tham gia lớp học.


Vì vậy, ý tưởng thông qua những đứa trẻ làm cầu nối đưa kiến thức khoa học nông nghiệp đến với người nông dân đã ra đời và Việt Nam được chọn thử nghiệm thực hiện dự án.

Học sinh khác muốn tham gia

Em Thạch Nguyễn Tấn Tài (13 tuổi)- thành viên lớp học chia sẻ: “Ở trường, cũng có học một số môn liên quan, còn về nhà thấy cha mẹ làm lúa nhưng chưa biết cách làm, nay được ra ruộng trực tiếp làm lúa, được sử dụng máy vi tính nên mừng lắm”.

Hôm rồi, Tài thấy lúa ở nhà bị vàng lá, liền chụp hình rồi đặt câu hỏi để hỏi cho chuyên gia Nhật. Khi nhận được phương pháp phòng trị, Tài về nói lại với cha mẹ áp dụng thử, không ngờ lúa khỏi bệnh thật.

Vụ lúa Đông Xuân 2012- 2013 kết thúc, ở những cánh đồng có học sinh tham gia YMC, chi phí mỗi hecta giảm từ 200.000- 300.000đ, chủ yếu là giảm lượng phân bón thuốc bảo vệ thực vật; năng suất cũng tăng hơn so với ruộng lúa không tham gia.

Tuy nhiên, khi đánh giá về hiệu quả dự án mang lại, theo ông Nguyễn Chí Công, “chưa thật sự rõ rệt, bởi diện tích lúa cho học sinh áp dụng còn hạn chế, chỉ vài mét vuông”. Song, nói về cái hay của dự án, ông cho rằng, đây thật sự là một trong những phương pháp học trực quan sinh động, học sinh không chỉ được tiếp xúc máy tính mà còn được bổ sung nhiều kiến thức nông nghiệp thực nghiệm ngay tại đồng ruộng khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Nhiều em không được chọn tham gia cũng hăng hái theo bạn kéo nhau ra đồng kiểm tra ruộng lúa, và luôn theo căn dặn khi nào có lớp học mở nữa nhớ cho tụi nó tham gia để được tập làm lúa”- ông Nguyễn Chí Công cho biết thêm.

NGUYỄN HOÀNG