Chế biến đường từ “mật hoa dừa”

Cập nhật, 10:36, Thứ Ba, 29/05/2012 (GMT+7)

Hiện nay, chỉ riêng ở Bến Tre có đến hàng chục triệu trái dừa khô còn tồn đọng trong các hộ nông dân, giá dừa đang ở mức thấp thảm hại, có nơi chỉ còn 20.000- 25.000 đ/chục (12 trái). Ở các vườn dừa trẻ (dễ leo trèo), bên cạnh việc bán dừa tươi làm nước giải khát, nhà vườn có thể dùng kỹ thuật chế biến đường từ “mật hoa dừa” để tạm thời vượt qua thời điểm khó khăn này.

Gọi là “mật hoa dừa” là vì đây là một dung dịch lấy từ bắp hoa dừa (còn gọi là “lưỡi mèo”). Dung dịch này có độ đường khoảng 14% (nước dừa độ đường khoảng 4%). Trên thế giới, đường làm từ “mật hoa dừa” xuất hiện từ lâu, loại đường này ngọt nhẹ, tuy không ngọt như đường làm từ mía hay thốt nốt nhưng có hương thơm dịu. Theo các thử nghiệm thành công của kỹ sư Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò tại xã Lương Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre) thì cứ một bắp hoa dừa của các cây dừa trồng tại trung tâm này có thể khai thác liên tục trong một tháng và thu được ít nhất 30 lít mật. Cứ 6 lít mật đó khi nấu sẽ cho ra 1kg đường, có giá khoảng 40.000 đ/kg (giá đường này trên thế giới khoảng từ 80.000- 90.000 đ/kg). Với giá trên, việc khai thác mật hoa dừa để chế biến thành đường sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bán trái. Theo kỹ sư Thủy, việc khai thác mật hoa như thế sẽ không làm ảnh hưởng gì đến sự phát triển của cây dừa.

Việc lấy mật hoa dừa được tiến hành khi bắp hoa chưa già, trước hết dùng dây bó bắp ngăn không cho bắp nở bung ra. Sau đó, mỗi ngày dùng dao bén cắt lát mỏng từ ngoài đầu bắp vào (ngày cắt 2 lần). Khi cắt dùng tay kéo nhẹ cho bắp cong xuống để tiện việc hứng lấy nước mật. Đến ngày thứ bảy sau khi bắt đầu cắt bắp hoa dừa, cây dừa sẽ cho mật. Vấn đề còn lại đối với nhà vườn là kỹ thuật chế biến dung dịch này thành đường có chất lượng thương phẩm.

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long) (Theo Báo Đồng Khởi)