Mở rộng "bản đồ" thu hút đầu tư

Cập nhật, 05:52, Thứ Năm, 30/04/2020 (GMT+7)

Đã 16 năm, kể từ khi một số khu- tuyến công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh được thành lập (năm 2004), công tác thu hút đầu tư (ĐT) đã đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Số lượng dự án ngày càng tăng lên, trong đó có một số dự án triển khai nhanh, nguồn vốn lớn; nhiều nhà ĐT “có thương hiệu” đã chọn Vĩnh Long làm nơi dừng chân trong hành trình sản xuất, kinh doanh. “Bản đồ” thu hút ĐT trên địa bàn ngày càng được mở rộng!

Một góc Khu Công nghiệp Bình Minh kiểu mẫu hôm nay.
Một góc Khu Công nghiệp Bình Minh kiểu mẫu hôm nay.

Triển khai nhiều chính sách ưu đãi

Những vùng đất thuần nông ngày nào đã dần “hóa thân” thành khu- tuyến CN kiểu mẫu, hiện đại. Khu CN Hòa Phú (Long Hồ), Bình Minh và Khu IV- Tuyến CN Cổ Chiên là những khu- tuyến CN mở đầu trên địa bàn tỉnh, đến nay thu hút 2 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng với tổng vốn ĐT thực hiện/đăng ký là trên 1.200/1.475,67 tỷ đồng (đạt 84,17%), tổng diện tích tự nhiên hơn 413ha, đất CN có thể cho thuê 308ha.

Sau 16 năm đi vào hoạt động, những nơi này đã đóng góp đáng kể cho giải quyết lao động và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương.

Theo Ban Quản lý Các khu CN tỉnh, đến nay các khu- tuyến CN đã thu hút vốn ĐT từ các nhà ĐT thứ cấp được 64 dự án (35 dự án FDI) với tổng vốn ĐT thực hiện/đăng ký gần 1.800 tỷ đồng (đạt trên 46%) và trên 450 triệu USD (trên 64%); tỷ lệ lấp đầy đạt gần 91%, giải quyết việc làm cho hơn 41.000 người và thu nhập bình quân là 6,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,5 triệu đồng so năm 2018.

Để đẩy mạnh thu hút ĐT, nhất là đầu tư nước ngoài, từ năm 2003, tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại- ĐT để chủ động mời gọi ĐT vào tỉnh.

Song song đó, tỉnh đã xây dựng danh mục dự án mời gọi ĐT từng thời kỳ, từng giai đoạn; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham gia các hoạt động xúc tiến ĐT ngoài nước.

Nếu năm 2018 được đánh dấu bằng “Hội nghị xúc tiến ĐT”, thì năm 2019 “Hội thảo xúc tiến ĐT” được xem là sự kiện quan trọng nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá rộng rãi những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cũng là dịp để các nhà ĐT tiếp cận các dự án trọng điểm.

Kết quả tại hội thảo, đã trao chứng nhận ĐT, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) cho 12 dự án với tổng mức vốn ĐT hơn 47.000 tỷ đồng và 117 triệu USD.

Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện cấp chủ trương, chứng nhận đăng ký ĐT cho 41 dự án với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, đã cấp mới 29 dự án với tổng vốn ĐT gần 3.409 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án đã đưa vào hoạt động.

Một trong những điểm đáng ghi nhận của Vĩnh Long là đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương vào điều kiện thực tế địa phương; kịp thời ban hành quy định về trình tự, thời gian, quy chế phối hợp… theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; ban hành chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Đặc biệt, tháng 4/2019 tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công với phương châm “chính quyền phục vụ” được coi như bước đột phá trong cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Tập trung phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu

Tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trong khi nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thu hút ĐT nước ngoài chủ yếu từ các nước Châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore,... thì Vĩnh Long lại thu hút nhiều từ Châu Âu.

Điều này được ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ nhận định “là tỉnh khá đặc biệt”, đồng thời cũng cho thấy đã có sự đánh giá về những thuận lợi của Vĩnh Long trong mắt các nhà ĐT.

Trong đó, có việc mạnh dạn bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Theo Ban Quản lý Các khu CN, đến nay giá trị sản xuất CN chiếm khoảng 51%; giá trị xuất khẩu năm 2019 chiếm khoảng 81% so với cả tỉnh. Suất ĐT trung bình hơn 67 tỷ đồng/ha. Trong đó, suất ĐT trung bình dự án FDI là 3,42 triệu USD/ha, tương đương 79,9 tỷ đồng/ha.

Những cải cách này cùng các yếu tố nội lực và ngoại lực- khi tới đây nhiều dự án giao thông trọng điểm như: cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác, được cho là điều kiện rất tốt để tỉnh kết nối mở rộng “bản đồ” thu hút ĐT với nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Trong tương lai gần, Vĩnh Long sẽ phát triển 4 khu CN mới gồm: Đông Bình (350ha), Bình Tân (400ha), An Định (200ha) và Hòa Phú (giai đoạn 3), vì vậy cần có chính sách đủ mạnh để tạo đột phá thu hút ĐT.

Ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban Quản lý Các khu CN tỉnh, cho rằng chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo, năng suất lao động của Vĩnh Long vẫn còn thấp, vì thế mà các khu CN mới nên tập trung phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, ưu tiên thu hút các dự án ĐT trên lĩnh vực CN cao, thâm dụng vốn, CN phụ trợ, CN chế biến nông thủy sản,...

Và trong định hướng, tỉnh cũng nêu rõ sẽ tập trung ưu tiên thu hút mời gọi ĐT các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các dự án có sản phẩm thế mạnh cạnh tranh.

Bên cạnh, thực hiện tốt việc đào tạo cho lao động, cũng như quan tâm đến việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho các hoạt động ĐT, kinh doanh.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Khu CN Hòa Phú (giai đoạn 2) và Khu CN Bình Minh, tỉnh tiếp tục mời gọi ĐT xây dựng hạ tầng các khu- cụm CN theo quy hoạch. Đã hoàn chỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu và mời gọi nhà ĐT hạ tầng Khu CN Đông Bình với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2.500 tỷ đồng. Mời gọi được các nhà ĐT triển khai 3 cụm CN theo quy hoạch gồm: Cụm CN Trung Nghĩa, cụm CN Tân Quới và cụm CN Tân Bình.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG