Từng bước tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật, 15:53, Thứ Bảy, 21/03/2020 (GMT+7)

Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã tập trung tiêu độc khử trùng môi trường; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân từng bước tái đàn lợn, đáp ứng nhu cầu thịt cho thị trường.

Người chăn nuôi lợn tỉnh Bắc Ninh rắc vôi bột để phòng, chống dịch bệnh.
Người chăn nuôi lợn tỉnh Bắc Ninh rắc vôi bột để phòng, chống dịch bệnh.

Hiệu quả từ tái đàn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm trên 130.000 con lợn mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 9.000 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.

Cuối tháng 5/2019, đàn lợn hơn 200 con của gia đình anh Nguyễn Văn Vẻ, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy. Theo tính toán của anh Vẻ, số lợn trên anh đã nuôi được 3 tháng, tiền cám cho mỗi con hết khoảng 1,5 triệu đồng. Mỗi con lợn giống lúc mua có giá gần 1 triệu đồng. Việc tiêu hủy hơn 200 con lợn khiến anh mất trắng khoảng 800 triệu đồng.

Những tưởng, sau thất bại sẽ làm anh Vẻ chùn bước, thế nhưng, được sự hướng dẫn của Thú y cơ sở, cuối tháng 8/2019, gia đình anh đã bắt tay vào việc tái đàn. Anh Nguyễn Văn Vẻ cho biết, việc tái đàn trong đợt dịch như canh bạc, gia đình tôi xác định "được ăn cả, ngã về không".

Ban đầu, gia đình anh nuôi 45 con lợn, nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi từ lựa chọn con giống, thức ăn hàng ngày, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đồng thời tăng cường vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn môi trường, nên lứa lợn đầu tiên, trừ chi phí, gia đình anh Vẻ thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Hiện quy mô đàn lợn của gia đình anh Vẻ là 150 con, với giá lợn hơi hiện nay dao động từ 80.000-82.000 đồng/kg, anh Vẻ nhẩm tính, trừ chi phí mỗi con lợn gia đình anh có lãi hơn 4 triệu đồng/con.

Tương tự, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng khiến gia đình ông Nguyễn Văn Huệ, ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh bị thiệt hại gần 400 triệu đồng. Sau dịch, gia đình ông Huệ đã tập trung khử trùng chuồng trại, chuẩn bị cho việc tái đàn.

Ông Huệ chia sẻ, do số tiền thiệt hại lớn nên gia đình ông đã bất chấp rủi ro để tái đàn. Với 80 con lợn thịt, gia đình ông Huệ thu về hơn 7 tấn lợn, trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 400 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả từ việc tái đàn, gia đình ông Huệ tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Hiện tổng đàn lợn là 260 con; trong đó, có gần 120 con lợn thịt với trọng lượng trung bình từ 50-70 kg/con.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện các trang trại, nông hộ được đầu tư đảm bảo an toàn sinh học đã khôi phục được gần 100%. Đối với nông hộ không tự túc được con giống cũng đã được phục hồi khoảng 50%. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 300.000 con, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019.

An toàn, bền vững

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thông tin hướng dẫn tái đàn sau khi hết dịch để các hộ có nhu cầu thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, ngoài việc hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại (đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, nền chuồng cao ráo, thoát nước tốt...), Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi khi nhập lợn về cần biết nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh và phải được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chi cục cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh mà cần từng bước tái đàn. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, các hộ và chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì mới  được tái đàn. Bên cạnh đó, các hộ và cơ sở chăn nuôi nên sử dụng nước máy hoặc nước sông đã qua xử lý để cho gia súc ăn uống, vệ sinh chuồng trại.

Quan điểm của Bắc Ninh là tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi an toàn, không cho phép triển khai tái đàn ở những nơi bị nhiễm dịch mà chưa cải tạo khu vực chăn nuôi để đảm bảo "tái an toàn, tái bền vững".

Hiện Bắc Ninh tập trung triển khai quyết liệt nhiều biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện.

Sau thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Dương Văn Tích, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh bắt tay khôi phục lại trang trại. Để đảm bảo nguồn bệnh ở ngoài  không thể xâm nhập vào, gia đình ông Tích đã áp dụng phương châm lấy ngắn nuôi dài, phát triển đàn lợn ngay từ chính những con nái còn sót lại sau đợt dịch. Từ 50 con lợn nái ban đầu, đến nay, tổng đàn lợn của gia đình đã phát triển lên trên 800 con.

Ông Tích cho biết, nhận biết cách thức dịch bệnh lây nhiễm và tìm ra phương hướng giải quyết để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm bệnh hoặc lây lan trong trại đặc biệt cần thiết đối với người chăn nuôi. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của các hộ nuôi.

Cùng đó, hộ nuôi phải đảm bảo “kén” được con giống khỏe, có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh. Con giống phải được nuôi cách ly ban đầu, sau đó lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì mới nhập đàn và được tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin phòng bệnh.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống, cơ sở vật chất mạng lưới thú y cơ sở; mở rộng đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên môn; đặc biệt, lên kế hoạch triển khai, hướng dẫn, đầu tư cho chăn nuôi sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Đinh Văn Nhiều (TTXVN)