Cải thiện môi trường kinh doanh

Cập nhật, 05:21, Thứ Năm, 07/11/2019 (GMT+7)

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trước công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), khi môi trường kinh doanh Việt Nam tăng điểm nhưng xếp hạng thì giảm.

Phát triển công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Long.
Phát triển công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Long.

Quan tâm chỉ số tụt hạng

Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, 10 tháng qua doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục phát triển với quy mô vốn đăng ký bình quân tăng mạnh. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so cùng kỳ.

Vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh.

Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á- Thái Bình Dương được WB giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với 2 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Trong khi, về môi trường kinh doanh (Doing Business) theo báo cáo của WB vừa công bố, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,2 điểm nhưng xếp hạng thì giảm 1 bậc (từ 69 xuống 70/190 nền kinh tế được khảo sát).

Điều này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chú ý, bởi trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh các nước trong khu vực tăng tốc. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh.

Bộ Kế hoạch- Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, báo cáo trước ngày 10/11/2019.

Vĩnh Long- nhiều nhà ĐT quan tâm

Phát triển công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Long.
Nhiều doanh nghiệp yên tâm sản xuất tại Vĩnh Long.

Vĩnh Long đang tiếp tục tạo quỹ đất sạch cùng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp xúc làm việc với hơn 15 nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư vào các Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Phú (giai đoạn 2), KCN Bình Minh và KCN An Định với các lĩnh vực như chế biến nông sản, đầu tư hạ tầng KCN, sản xuất điện tử, may mặc, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản,...

Riêng trong tháng 10 đã tiếp xúc và làm việc với 4 nhà đầu tư (Nhật Bản, Việt Nam và Đài Loan), với diện tích đất dự kiến thuê là 10- 15ha. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian hoạt động hiệu quả đã mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, ngày 21/10, Ban Quản lý Các KCN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án thứ 2 của Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam thực hiện dự án Nhà máy sản xuất, gia công đế giày và các nguyên phụ liệu liên quan đến ngành giày dép.

Theo đó, nhà máy do Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam làm chủ đầu tư tại KCN Hòa Phú, có tổng vốn đầu tư là 578,75 tỷ đồng tương đương 25 triệu USD; diện tích đất sử dụng 6,56ha.

Khi đi vào hoạt động dự án sẽ giải quyết việc làm cho 2.000 lao động và đóng góp cho ngân sách 9,25 tỷ đồng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD/năm.

Nhằm mở rộng KCN, tạo quỹ đất sạch, mới đây UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập quy hoạch KCN và Khu tái định cư KCN Bình Tân (xã Thành Lợi- Bình Tân). Theo đó, KCN quy mô là 400ha, khu tái định cư là 30ha, Ban Quản lý Các KCN thực hiện từ năm 2020- 2021.

Ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban Quản lý Các KCN- tại cuộc họp thường kỳ UBND vừa qua, cho biết hiện 2 KCN Hòa Phú và Bình Minh cơ bản lấp đầy. Ban Quản lý Các KCN đang tập trung phát triển tạo quỹ đất sạch ở các KCN mới gồm Bình Tân, Đông Bình và An Định, với tổng diện tích hơn 900ha nhằm không bị động quỹ đất sạch thu hút đầu tư trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG